Bộ trưởng Bộ y tế kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 BV Trung ương Huế

Hơn 100 bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của BV Trung ương Huế thiết lập tại TP.HCM đã và đang được các y bác sĩ tận tình điều trị, chăm sóc.
29/08/2021 09:00

Ngày 28/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế thiết lập tại Bệnh viện Dã chiến số 14 của TP Hồ Chí Minh.

Trung tâm này có quy mô 650 giường, phân theo 3 tầng điều trị khác nhau, vượt dự kiến ban đầu là 500 giường của Bộ trưởng Bộ Y tế giao.

bt1

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long quan sát công tác thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế

Coi người bệnh như người thân

Đây là lần thứ 3, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long có mặt tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế.

Sự có mặt của người đứng đầu ngành y tế tại các Trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 do Bộ Y tế thiết lập tại TP Hồ Chí Minh cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Y tế đối với công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.

"Ưu tiên nhân lực tốt nhất, điều trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế đầy đủ để các Trung tâm hồi sức tích cực điều trị người bệnh tốt nhất, nhằm giảm tỷ lệ tử vong" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhiều lần nhấn mạnh.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã vào khu điều hành công tác điều trị, đặt ngay bên cạnh khu điều trị bệnh nhân nặng của Trung tâm.

Báo cáo với Bộ trưởng, GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 cho biết, hiện Trung tâm đang điều trị khoảng hơn 100 bệnh nhân COVID-19, phân thành 3 tầng: Bệnh nhân nặng và nguy kịch; bệnh nhân nặng thoát hồi sức và bệnh nhân chờ xuất viện.

a3

GS.TS Phạm Như Hiệp báo cáo về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 của Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long 

"Tuy nhiên con số này biến động liên tục bởi số lượng bệnh nhân nặng từ các cơ sở điều trị tầng 2 chuyển lên. Lực lượng y bác sĩ luôn sẵn sàng túc trực đêm ngày theo hình thức 3 ca, 4 kíp để luôn theo dõi sát người bệnh" - GS.TS Phạm Như Hiệp nói.

Giám đốc Phạm Như Hiệp cũng chia sẻ, do đặc thù của người bệnh COVID-19, đặc biệt nơi đây lại chỉ điều trị những ca bệnh nặng nên nhân viên y tế sẽ phải đảm đương tối ưu mọi việc từ ăn uống đến sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của nhiều người bệnh.

"Chúng tôi luôn quán triệt toàn thể y bác sĩ và nhân viên tại Trung tâm coi người bệnh như người thân trong nhà nên không chỉ chăm lo bữa ăn đơn thuần mà còn chú ý đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh, theo sát diễn biến sức khoẻ của người bệnh" - GS.TS Phạm Như Hiệp nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những kết quả bước đầu của Trung tâm trong thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và cho biết tiếp tục điều phối, phân bổ thuốc, vật tư trang thiết bị cho Trung tâm.

"Cùng với thuốc, trang thiết bị y tế đầy đủ, hiện đại, sự tận tình, tận tâm của cán bộ y tế góp phần động viên người bệnh yên tâm điều trị, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nặng" - Người đứng đầu ngành y tế chia sẻ.

Nhắc lại yêu cầu của Bộ Y tế đối với mỗi Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh phải vừa tập trung điều trị, vừa làm nhiệm vụ đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho tầng điều trị 2 của TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long  yêu cầu Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế phải sắp xếp nhân lực phù hợp để vừa điều trị bệnh nhân tại đây, vừa thành lập các ekip đi hỗ trợ tầng điều trị 2 khi cần. 

a4

Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi về công tác lưu trữ, chuẩn bị oxy y tế cho điều trị người bênh COVID-19 của Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 và yêu cầu lãnh đạo Trung tâm tuyệt đối không được để thiếu oxy.

Tuyệt đối không để đứt gãy nguồn cung ứng oxy y tế

Đảm bảo oxy y tế cho điều trị người bệnh COVID-19 luôn là vấn đề được lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm, do đó Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo, nhiều cuộc họp, làm việc với các doanh nghiệp đơn vị cung ứng, sản xuất oxy để yêu cầu phải nâng công suất sản xuất, phải cung ứng kịp thời nhu cầu về oxy y tế cho các bệnh viện.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng nhiều lần yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện phải chủ động lên kế hoạch ký hợp đồng cung ứng oxy với các cơ sở cung ứng. Tuyệt đối không để thiếu oxy trong điều trị.

Để phù hơp với diễn biến cùa tình hình dịch bệnh, ngay từ tầng điều trị thứ nhất, Bộ Y tế đã yêu cầu phải có sẵn các bình oxy để ngay lập tức cho bệnh nhân sử dụng khi cần. 

Đặc biệt ở tầng điều trị 2, Bộ Y tế đã nhiều lần "nhắc đi nhắc lại" phải đảm bảo oxy cho tầng điều trị này- đây là tầng điều trị tối quan trọng vì nếu làm tốt công tác điều trị tại đây sẽ hạn chế được nguy cơ bệnh nhân diễn tiến nặng phải chuyển lên tầng điều trị 3 cũng như nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Mới đây, Bộ Y tế đã có cuộc làm việc trực tuyến vối 26 doanh nghiệp sản xuất, cung ứng oxy y tế trong cả nước. Thông tin tại cuộc họp cho biết, công suất cung ứng trung bình mỗi ngày của các doanh nghiệp đạt khoảng gần 1.200 tấn oxy lỏng/ngày và có thể nâng lên thêm 50%- 100%. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không được để đứt gãy nguồn cung ứng oxy y tế.

Hồng Nga

comment Bình luận

largeer