Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai phát động chương trình khám chữa bệnh miễn phí và kết hợp chuyển giao kĩ thuật
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết trong những năm vừa qua, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng của ngành Y tế các cấp, công tác Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ - trẻ em ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn trên 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023. Trong giai đoạn nói trên, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm gần 4 lần, từ mức 58‰ xuống còn 18,2‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 44‰ xuống còn 11,6‰; đồng thời tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53% xuống còn 11%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại lễ phát động
Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản – nhi đã phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở, nhiều thành tựu khoa học – kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản của Nhân dân. Nhờ những thành tựu đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và nay là các Mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ - trẻ em.
Bên cạnh những thành tựu như đã nêu trên, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, đó là: Tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng còn có sự chênh lệch, cách biệt rất lớn giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các nhóm dân tộc. Số liệu điều tra, thống kê cho thấy tình trạng tử vong mẹ ở người Dân tộc thiểu số cao gấp 7 lần so với người Kinh, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở khu vực miền núi vẫn cao gấp 2-3 lần so với mặt bằng chung toàn quốc. Đặc biệt, tử vong mẹ, tử vong trẻ em và suy dinh dưỡng trẻ em còn khá cao ở vùng khó khăn, trong các hộ nghèo, cận nghèo và một số nhóm dân tộc. Thực tế trên đòi hỏi ngành Y tế phải có những giải pháp, hành động quyết liệt hơn.
Để tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, từng bước đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt, triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều mục tiêu quan trọng về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo và để hỗ trợ cho các tỉnh miền núi thực hiện thành công các mục tiêu này, ngày 06/12/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4440/QĐ-BYT phân công lại phạm vi chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa, trong đó giao Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng hỗ trợ 5 tỉnh, bao gồm hai tỉnh miền núi là Lào Cai và Yên Bái.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật y tế cho Bệnh viện sản nhi tỉnh, các Bệnh viện huyện của tỉnh Lào Cai và một số huyện của các tỉnh miền núi lân cận, trong đó có nhiều kỹ thuật quan trọng như xử trí cấp cứu sản khoa và sơ sinh, phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện tuyến huyện. Những hoạt động đó sẽ giúp cho các cơ sở y tế của các tỉnh miền núi nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh, mang dịch vụ y tế có chất lượng cao đến gần với người dân, tiếp tục góp phần giảm tử vong, tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh việc chuyển giao kỹ thuật, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng còn kết hợp với Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai và Bệnh viện các huyện miền núi tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Khoảng 1.000 đồng bào dân tộc tại huyện Bắc Hà đã được thăm khám chuyên sâu về lĩnh vực sản khoa, tư vấn những kiến thức căn bản để phòng, tránh các nguy cơ tai biến có thể gặp phải. Cũng nhân dịp này, Bộ Y tế cũng đã trao tặng 100 suất quà cho các hộ gia đình khó khăn tại huyện Bắc Hà, góp phần mang đến cho người dân nơi đây một cái tết an vui và đầm ấm hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn tại huyện Bắc Hà
Thực tế hiện nay tại địa bàn tỉnh Lào Cai, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng còn cao hơn rất nhiều so với trung bình trung toàn quốc và có sự chênh lệ giữa các huyện, đặc biệt là các huyện nghèo như Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương và Bát Xát. Hệ thống mạng lưới cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản đã được hình thành củng cố, song vẫn còn nhiều tồn tại. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoa sản, khoa nhi ở nhiều bệnh viện tuyến huyện còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em, trẻ sơ sinh. Riêng tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng Bệnh viện cũng mới chỉ thực hiện được 63% các kĩ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế
Có thể nói, sự hỗ trợ tích cực của Đảng bộ và Chính quyền các cấp của Thành Phố Hải Phòng đối với tỉnh Lào Cai, được thể hiện cụ thể tại Biên bản hợp tác ký ngày 9/9/2023 giữa Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, trong đó nêu rõ giao “Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng hỗ trợ chuyên môn, hội chẩn từ xa, đào tạo cầm tay chỉ việc, chuyển giao công nghệ cho Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai”. Kết quả của những sự hợp tác đó là hàng loạt kỹ thuật cao đã được chuyển giao, góp phần nâng cao năng lực trong xử trí cấp cứu và điều trị. Điển hình là ngay trong tháng 12 vừa qua, một sản phụ băng huyết sau sinh nặng đã được Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai cứu sống nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ xa của Bệnh viện Phụ Sản Trung ương và Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm hỏi bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà
Với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo hai địa phương, sẽ có nhiều kỹ thuật được Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng chuyển giao để Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai phát triển mạnh hơn nữa, trở thành một trung tâm kỹ thuật cao của chuyên ngành sản phụ khoa, góp phần giảm tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc. Nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai một cách bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ.
Bảo Ngọc
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm -
Nhuận tràng Biovaccine – giải pháp tự nhiên cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Táo bón là vấn đề tiêu hóa phổ biến, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến các biến chứng như trĩ, đau bụng, khó tiêu và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Nhuận Tràng Biovaccine là giải pháp tự nhiên, an toàn và hiệu quả, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, hỗ trợ nhuận tràng, mang lại sự thoải mái và sức khỏe cho hệ tiêu hóa.November 20 at 9:12 am