Ca COVID-19 toàn cầu vượt 200 triệu

Thế giới ghi nhận hơn 200 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó hơn 4,3 triệu người chết, trong bối cảnh nhiều khu vực đang vật lộn với biến chủng Delta.
04/08/2021 09:41

Thế giới đã ghi nhận 200.152.677 ca nhiễm COVID-19 và 4.257.023 ca tử vong, tăng lần lượt 548.404 và 8.543, trong khi 178.735.207 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 36.011.180 ca nhiễm và 630.406 ca tử vong do COVID-19, tăng 78.969 ca nhiễm và 431 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Jeff Zients, quan chức điều phối nhóm ứng phó COVID-19 của Nhà Trắng, tỏ ra lo ngại với tình trạng ca nhiễm gia tăng do biến chủng Delta, đồng thời nhấn mạnh phần lớn ca nhiễm mới tập trung tại những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

K

Nhân viên y tế lấy mẫu tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Florida, Mỹ, hôm /8

33% ca nhiễm mới trên toàn nước Mỹ trong tuần trước được ghi nhận ở bang Florida và Texas. Các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang ghi nhận trung bình 6.200 người nhập viện mỗi ngày, trong khi số ca tử vong hàng ngày ở mức hơn 300.

Nhà Trắng hôm 3/8 thông báo Mỹ đã tặng hơn 110 triệu liều vaccine cho hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong nỗ lực ứng phó COVID-19. Washington khẳng định mục tiêu là gia tăng độ bao phủ tiêm chủng COVID-19 toàn cầu, đón đầu các đợt bùng phát và ưu tiên nhân viên y tế cùng những người dễ bị tổn thương.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 31.767.965 ca nhiễm và 425.789 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 42.566 và 561 ca.

Bang Maharashtra, trung tâm công nghiệp và cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 tại Ấn Độ, bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 3/8 sau khi số ca nhiễm mới giảm dần. Cửa hàng, trung tâm thương mại và công viên được mở cửa lâu hơn, văn phòng cũng được hoạt động với công suất tối đa. Tuy nhiên, rạp chiếu phim, trường học và cơ sở tôn giáo vẫn bị đóng cửa.

Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi cảnh báo các bang không mở cửa quá nhanh và tiếp tục theo dõi, đề phòng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Nhiều chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm có thể tăng trở lại do tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp.

Tại châu Âu, một nửa dân số Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19, cao hơn tỷ lệ 49,7% của Mỹ, nước có khởi đầu thuận lợi hơn.

Số người đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine COVID-19 tại 27 nước thành viên EU đạt gần 224 triệu, chiếm 50% so với tổng dân số 447,7 triệu của khối. Trong đó, Malta là nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất với 58,9% dân số đã hoàn thành hai mũi vaccine.

Các nước lớn trong EU cũng đã vượt mốc một nửa dân số tiêm đủ liều vaccine như Tây Ban Nha (58,3%), Italy (54,4%), Pháp (52,9%) và Đức (52,2%). Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia triển khai tiêm chủng chậm như Bulgaria với 14,5% hay Romania với khoảng 25% dân số.

Anh, báo cáo 5.923.820 người nhiễm và 129.881 người chết, tăng lần lượt 21.691 và 138 trường hợp.

Nước này hôm 2/8 gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh với những người đã tiêm đủ hai liều vaccine tại Mỹ và phần lớn các nước Liên minh châu Âu (EU) trừ Pháp. Họ không phải cách ly 10 ngày sau khi đặt chân đến Anh, nhưng vẫn phải xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành và ngay sau khi đến. Công dân Anh tiêm đủ hai liều vaccine ở nước ngoài cũng có thể hồi hương dễ dàng hơn.

Ca COVID-19 đã giảm tại 313 trong 315 khu vực khắp nước Anh trong tuần trước. Số liệu mới được coi là dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy chính sách chống dịch của Anh đang tỏ ra hiệu quả, một tuần rưỡi sau khi chính phủ dỡ mọi hạn chế ngăn COVID-19.

Tại châu Á, tình hình COVID-19 ở nhiều nước tiếp tục diễn biến phức tạp với biến thể Delta.

Nhật Bản báo cáo thêm 8.332 ca nhiễm và 7 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc lên 944.763 người, trong đó 15.204 người chết.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nhật Bản Toshio Nakagawa hôm qua kêu gọi ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc để đối phó COVID-19 do lo ngại hệ thống y tế quá tải. Phát biểu được đưa ra sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga kêu gọi người nhiễm COVID-19 thể nhẹ tự cách ly và điều trị tại nhà, chỉ bệnh nhân nặng hoặc có nguy cơ trở nặng mới nên nhập viện.

Thay đổi trong chiến lược ứng phó COVID-19 này được chính phủ Nhật Bản đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu giường bệnh do biến chủng Delta tiếp tục lây lan nhanh chóng khắp nước Nhật. Tuy nhiên, việc thay đổi khuyến cáo khiến một số người Nhật lo ngại về nguy cơ số ca tử vong tăng cao.

Nhật đang áp dụng tình trạng khẩn cấp cho thủ đô Tokyo, đảo Okinawa và 4 tỉnh đến hết tháng 8.

Tại Đông Nam Á, các điểm nóng như Indonesia, Thái Lan và Malaysia vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng, khi biến thể Delta lây lan mạnh.

Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 3.496.700 ca nhiễm, tăng 33.900, trong đó 98.889 người chết, tăng 1.598. Nước này đã gia hạn lệnh hạn chế đi lại thêm một tuần, trong khi quan chức Indonesia cho biết chính phủ đặt mục tiêu mở cửa dần nền kinh tế từ tháng 9.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 1.612.541 ca nhiễm và 28.141 ca tử vong, tăng lần lượt 6.879 và 48 ca. Lệnh giới nghiêm ban đêm tại thủ đô Manila sẽ được kéo dài thêm hai tiếng, bắt đầu từ 20h hàng ngày thay vì 22h như trước đó.

Giới chức cũng triển khai cảnh sát đến các điểm giám sát phong tỏa quanh thủ đô nhằm hạn chế hoạt động ra vào Manila. Toàn bộ thủ đô Manila và các khu vực lân cận với tổng cộng 13 triệu dân sẽ tiếp tục bị phong tỏa từ ngày 6-20/8.

(Theo Vnexpress)

comment Bình luận

largeer