Ca khúc "Let's shine" tại Lễ khai mạc SEA Game 31

Tối ngày 12/5, tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, ca sĩ Tùng Dương, Hồng Nhung cùng 110 diễn viên múa, 250 vận động viên biểu diễn ca khúc "Let's shine" tại Lễ khai mạc SEA Game 31.
13/05/2022 09:30

Bài hát Let’s shine (Hãy tỏa sáng) khép lại lễ khai mạc diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình. Tiết mục biểu diễn có sự tham gia của Tùng Dương, Hồng Nhung và nhóm Oplus. 110 nghệ sĩ mặc áo dài múa phụ họa cùng 250 vận động viên, linh vật sao la, biểu tượng 54 dân tộc Việt Nam, đại diện 11 quốc gia Đông Nam Á xuất hiện trên sân khấu tạo khung cảnh hoành tráng. Cuối cùng, pháo hoa tỏa sáng trên nền trời, báo hiệu SEA Games 31 bắt đầu.

1

Ca sĩ Tùng Dương và Hồng Nhung

Ca khúc được phối theo phong cách sôi động, tạo điểm nhấn cho chương trình. Nhạc sĩ Huy Tuấn sáng tác bài hát trong thời gian cách ly vì dịch, nêu cao tinh thần thiện chí của nước chủ nhà, truyền thông điệp về một Đông Nam Á mạnh mẽ, đoàn kết.

Ban đầu, ban tổ chức mời Mỹ Linh tham gia biểu diễn nhưng ca sĩ bận việc gia đình. Hồng Nhung được chọn thay thế, trở thành nữ ca sĩ duy nhất góp giọng trong hai kỳ SEA Games Việt Nam đăng cai tổ chức. 19 năm trước, cô là một trong 22 nghệ sĩ biểu diễn bài Vì một thế giới ngày mai (nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh) cùng Mỹ Linh, Trọng Tấn... Trong khi đó, Tùng Dương, Oplus sở hữu chất giọng nội lực, phù hợp tinh thần bài hát.

Những màn múa đậm chất văn hóa Việt, với sự tham gia của hơn 600 nghệ sĩ, 250 vận động viên. Đêm khai mạc gồm ba chương: Việt Nam thân thiện - khắc họa hình ảnh đất nước với nền văn hóa giàu bản sắc, thân thiện, Đông Nam Á mạnh mẽ - thể hiện sức mạnh của các quốc gia trong khối ASEAN, Đông Nam Á tỏa sáng - đoàn kết, xây dựng cộng đồng vững mạnh, phát huy vai trò của ASEAN trên trường quốc tế.

Mở đầu là phần giới thiệu 30 kỳ đại hội theo chiều của chim Lạc trên trống đồng, kéo dài đến thời khắc khai mạc SEA Games 31. Khoảnh khắc rồng thiêng bay lên nhờ hiệu ứng của công nghệ 3D mapping (trình chiếu đồ họa), tái hiện huyền thoại địa linh nhân kiệt và kỳ tích đất Thăng Long, tạo sự hoành tráng.

Cây tre, bông lúa được khắc họa qua màn múa của hàng trăm nghệ sĩ kết hợp công nghệ 3D mapping (trình chiếu đồ họa), tương tác thực tế ảo (augmented reality), thực tế mở rộng (extended reality). Khoảnh khắc chàng trai ngồi trên ngọn tre thổi sáo giữa mênh mông cây lá, vẽ nên khung cảnh lãng mạn, bay bổng. Cây tre tượng trưng cho nhịp cầu đoàn kết, tinh thần hữu nghị của các quốc gia. Đồng lúa bạt ngàn biểu trưng cho nền văn minh lúa nước ở Đông Nam Á.

Sen - loài hoa tượng trưng cho con người và đất nước Việt Nam - được thể hiện qua tiết mục múa của nghệ sĩ Linh Nga và 250 diễn viên, kết hợp đạo cụ lá sen trắng dài 2 m. Tranh Đông Hồ được giới thiệu qua hình ảnh biểu tượng của 11 quốc gia Đông Nam Á và trình chiếu bằng công nghệ ánh sáng trên mặt sân Mỹ Đình. Nghệ sĩ đàn bầu Lệ Giang và nghệ sĩ violin Bùi Công Duy kết hợp trình diễn các bản nhạc ở màn múa nón với tiêu đề Đường đến Việt Nam. Hình ảnh nón lá bay bổng lơ lửng trên không trung nhờ hiệu ứng kỹ thuật gây ấn tượng.

Nghệ sĩ Trần Ly Ly - tổng đạo diễn chương trình - cho biết PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, Trần Đức Cường là cố vấn văn hóa, yếu tố lịch sử dân tộc lồng ghép trong mỗi tiết mục. "Cây tre, hoa sen hay nón lá, bông lúa... mãi là biểu tượng cho vẻ đẹp, sự thanh khiết và mềm mại, dẻo dai, kiên cường, sức sống mãnh liệt của người Việt Nam, thời nào cũng vậy", Trần Ly Ly nói.

Tổng đạo diễn cho biết êkíp có khoảng hai tháng để chuẩn bị, quá trình lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, tuyển chọn nghệ sĩ, luyện tập... cho chương trình khai mạc.

Nguyễn Trang (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer