Cà Mau tăng cường các giải pháp ứng phó với thiên tai

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường các giải pháp ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh.
30/03/2023 15:25

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến tháng 5/2023, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên biển Đông. Thời gian chuyển mùa bắt đầu trong nửa đầu tháng 4/2023, mùa mưa tại các địa phương trong tỉnh bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm từ 25/4/2023 - 5/5/2023, các huyện ven biển Đông trễ hơn từ 5 – 10 ngày. Trong tháng 4/2023 là đỉnh điểm của nắng nóng với nhiệt độ cao nhất từ 35 – 37 độ C, qua tháng 5/2023 vẫn còn khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ. Từ tháng 4/2023, mực nước bắt đầu xuống thấp dần theo quy luật triều hàng năm, mực nước thấp nhất năm xuất hiện vào tháng 5/2023 – 6/2023.

Tình hình xâm nhập mặn trên các sông, rạch của tỉnh trong thời gian còn lại của mùa khô năm 2023 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, độ mặn cao nhất xuất hiện trong nửa đầu tháng 4/2023 sau đó giảm dần.

Ảnh: Camau.gov

Ảnh: Camau.gov

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với nắng nóng cục bộ, hạn hán, xâm nhập mặn, độ mặn tăng cao, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn của cơ quan chức năng. Kịp thời thông tin, tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, tổ chức liên quan chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh, ứng phó. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất trên từng lĩnh vực. Qua đó, hướng dẫn địa phương điều chỉnh lịch mùa vụ sản xuất, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước ngọt, độ mặn tăng cao và điều kiện thời tiết thay đổi trong giai đoạn chuyển mùa. Đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt thủy sản nuôi trong thời gian cao điểm mùa khô và chuyển mùa. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp, kỹ thuật sản xuất sát tình hình, điều kiện hạn, mặn. Thường xuyên kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống, đập, kịp thời xử lý các sự cố, tránh để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa.

UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát địa bàn, qua đó kịp thời có giải pháp chỉ đạo thực hiện để giảm tối đa các thiệt hại trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt lưu ý chỉ đạo sản xuất sát với thực tế, chi tiết cho từng vùng và phù hợp với thời gian chuyển mùa của địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, diễn biến tình hình thực tế để khuyến cáo cho các chủ rừng và người dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy theo kế hoạch, phương án được duyệt; phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, dự báo, cảnh báo; tổ chức kiểm tra, rà soát, chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các chủ rừng, các địa phương, Nhân dân trên lâm phần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy.

Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh, các chủ rừng và địa phương, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện trên địa bàn vùng ngọt hóa kiểm tra, rà soát tất cả các tuyến giao thông nằm ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, để lắp đặt các biển cảnh báo. Triển khai các biện pháp phù hợp để giảm thiểu tối đa việc sụt lún, sạt lở đất. Huy động Nhân dân trong khu vực cùng tham gia thực hiện phòng, chống thiệt hại do sụt lún, sạt lở đất, khắc phục những vị trí có nguy cơ đe dọa an toàn đến người và phương tiện trong quá trình lưu thông.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có liên quan tăng cường công tác quan trắc, dự báo, kịp thời cảnh báo các cơ quan chức năng để chủ động các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer