Cà Mau tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc rượu

Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố Cà Mau; Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) các huyện, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Chi cục ATVSTP tỉnh, các bệnh viện; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc rượu.
26/06/2023 11:23

Nội dung công văn nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình ngộ độc rượu tại tỉnh Cà Mau xảy ra khá phổ biến, với 3 vụ, 14 người ngộ độc. Trong đó, có 3 trường hợp tử vong. Để chủ động trong công tác phòng, chống ngộ độc rượu, Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch số 02/KH-BCĐLNVSATTP ngày 10/01/2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2023.

Ảnh minh họa: Camau.gov

Ảnh minh họa: Camau.gov

Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người quản lý, cán bộ, công chức, viên chức, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm các kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; quy định điều kiện về sản xuất, kinh doanh rượu; vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường thực hành đúng về an toàn thực phẩm trong ăn uống; hướng dẫn, khuyến cáo cho người dân mua và sử dụng đối với các sản phẩm rượu có đẩy đủ nhãn hàng hoá theo quy định; không uống đồ uống dùng cồn công nghiệp để pha chế, không uống rượu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không uống rượu của các cơ sở sản xuất rượu không có các giấy phép theo quy định, không đảm bảo điều kiện kỹ thuật; không sử dụng rượu ngâm các loại động vật, phụ phẩm của động vật, các loại cây thảo mộc không rõ về các độc tính, chủng loại, nguồn gốc, công dụng.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thực hiện lập danh sách, phân loại để theo dõi, quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn quản lý, đặc biệt quan tâm đối với các sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, thủ công. Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu; kịp thời ngăn chặn không để rượu không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi và quan tâm hơn việc phân bổ kinh phí cho Trung tâm Y tế, UBND các xã, phường, thị trấn để tăng cường các hoạt động quản lý kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

Các cơ sở khám chữa bệnh rà soát và bố trí nguồn lực, sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu các trường hợp ngộ độc rượu vào điều trị. Khi xác định hoặc nghi ngờ ngộ độc rượu phải khai báo ngay với cơ quan, đơn vị chức năng để điều tra, xử lý theo quy định.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh rượu và các sản phẩm rượu pha chế trên địa bàn. Tham mưu cho UBND huyện, thành phố xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là phòng chống ngộ độc rượu trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp cộng đồng nâng cao ý thức và cùng thực hiện.

Bảo Trân

comment Bình luận

largeer