Cà Mau triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn chỉ đạo các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố Cà Mau triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo nội dung công văn số 2197/BYT-DP ngày 26/4/2024 của Bộ Y tế về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
10/05/2024 19:48

Trong đó, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời.

Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao như: bệnh dại, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh được dự phòng bằng vắc xin (sởi, ho gà, bạch hầu...).

Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.

Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe… Trường hợp khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo.

camau2

(Ảnh: Camau.gov)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh trên động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại, bệnh than,... kịp thời chia sẻ thông tin với ngành y tế để triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm sang người; thực hiện tốt việc quản lý đàn chó, mèo và tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ. Thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh; thực hiện tốt công tác y tế trường học, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời; phối hợp triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm vắc xin tại các cơ sở giáo dục.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; phối hợp cung cấp các khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, tiêm chủng vắc xin và thay đổi hành vi, nâng cao sức khỏe.

Sở Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

UBND các huyện, thành phố Cà Mau chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các phòng, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng. Rà soát, xây dựng, trình HĐND cùng cấp ban hành định mức chi cho hoạt động y tế dự phòng để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Bố trí đầy đủ kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng từ nguồn kinh phí địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo đúng quy định.

Nguyệt Thanh

comment Bình luận

largeer