Các cơ sở giáo dục đào tạo chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 8

Trước dự báo về diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, các cơ sở đào tạo tại nhiều địa phương đã chủ động lên phương án phòng, chống, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cơ sở vật chất trường học.
14/10/2021 11:40

Để chủ động ứng phó với bão số 8, ngày 13/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Công điện gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với bão số 8. Trong đó, yêu cầu các đơn vị cần triển khai giải pháp bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh; chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình trường học, tài liệu, sách vở và đồ dùng học tập; cập nhật thông tin về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với ngành Giáo dục, báo cáo Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ GD&ĐT (qua Cục Cơ sở vật chất, số điện thoại: 0906.200.099 và 0917.710.440); tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tại Thị xã Cửa Lò (Nghệ An), trước dự báo thời tiết về cơn bão số 8 sắp đổ bộ, Phòng GD&ĐT thị xã  đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục chủ động rà soát cơ sở vật chất. Cắt tỉa cây xanh tránh nguy cơ gãy đổ. Chằng níu, khóa cửa sổ và cửa phòng học; di chuyển máy tính, thiết bị dạy học đến nơi an toàn, tránh hư hỏng, thiệt hại do mưa gió.

Chặt tỉa, gia cố cây xanh trong trường học tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh minh họa

Chặt tỉa, gia cố cây xanh trong trường học tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh minh họa

Còn tại huyện Diễn Châu (Nghệ An), việc dạy học trực tiếp đang được triển khai bình thường ở cả 3 cấp phổ thông, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, nhà trường chủ động theo dõi diễn biến thời tiết. Nếu mưa to, gió lớn, không đảm bảo an toàn, nhà trường sẽ cho học sinh nghỉ học. 

Cùng với đó, để ứng phó với diễn biến của bão trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã có văn bản yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc chủ động biện pháp phòng chống. Cụ thể, chủ động phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, công trình trường học trong trường hợp xẩy ra bão mạnh, mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, bão để có các giải pháp ứng phó kịp thời; triển khai lực lượng xung kích, cứu hộ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Giữ mối liên hệ thường xuyên với ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, yêu cầu lực lượng cứu hộ địa phương hỗ trợ khi cần thiết

Chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi an toàn, đặc biệt là các khu vực thấp  trũng, khu vực thường xẩy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất..., hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian mưa bão, duy trì thông tin liên lạc, thông báo ứng cứu kịp thời. Chủ động cho học sinh nghỉ học tùy theo diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương.

Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, trong trường hợp có học sinh ở lại tại trường thì phải quản lý chặt chẽ học sinh, tuyệt đối không để học sinh tự ý ra khỏi khu vực trường trong mưa bão.

Đối với các trường thuộc hạ lưu thủy điện cần sẵn sàng các phương án ứng phó trong các trường hợp nhà máy Thủy điện xả lũ, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống

Tuyên truyền để phụ huynh quản lý con em khi học sinh ở nhà, không di chuyển đến nơi nguy hiểm, qua cầu tràn, sông suối vớt củi, bắt cá khi mưa lũ.

Các trường kịp thời báo cáo cụ thể về số lượng, mức độ thiệt hại về các cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp khẩn cấp, cần báo cáo nhanh bằng mọi cách cho cơ quan cấp trên để được hướng dẫn xử lý. Sau bão, tổ chức dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, bảo đảm các điều kiện để tổ chức các hoạt động của nhà trường.

Ứng phó với các tình huống mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ở Trường Mầm non Phú Hải (phường Phú Hải, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) mặc dù chưa đón trẻ đến trường nhưng đã thông báo đến phụ huynh học sinh để đảm bảo an toàn trẻ trong thời gian ở nhà. Cùng với đó, huy động giáo viên di chuyển các đồ dùng như: Tủ lạnh, bếp ăn, tivi, các thiết bị trong lớp học… lên tầng 2. Cùng với đó, gom đồ chơi ngoài trời lại một chỗ sau đó dùng dây buộc để cố định và đảm bảo nếu nước lũ dâng cao cũng không bị cuốn trôi.

Các trường học xây dựng phương án và chủ động phòng chống, đảm bảo cơ sở vật chất trường học

Các trường học xây dựng phương án và chủ động phòng chống, đảm bảo cơ sở vật chất trường học

Tương tự, tại Trường Tiểu học Minh Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), nhà trường đã chủ động phương án phòng chống, chuyển các thiết bị học tập đến khu vực an toàn. Thường xuyên theo dõi để có phương án cho học sinh nghỉ học trong trường hợp cần thiết, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh ký cam kết không để các em ra sông, suối, khu vực nguy hiểm trong mùa mưa bão. Đồng thời, bám sát chỉ đạo của Sở, phòng GD&ĐT, trường tổ chức chặt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố, bảo vệ cơ sở vật chất...; di dời toàn bộ đồ dùng dạy học, máy móc, hồ sơ, sổ sách đến nơi an toàn. Đồng thời theo dõi tình hình mưa bão để cho học sinh nghỉ học và nhờ phụ huynh đến hỗ trợ di dời bàn ghế khi cần thiết.

Là một trong những địa bàn xung yếu của tỉnh, thường xảy ra lũ quét và sạt lở sau mỗi đợt mưa bão, do đó, phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) luôn chủ động công tác ứng phó với thiên tai trước mỗi mùa mưa bão đến. Theo đó, tất cả các điểm trường đều xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão từ đầu năm học. Trong đó, công tác tổ chức chằng chống lại phòng lớp, cắt tỉa cây cối… và tiến hành di dời các tài liệu, trang thiết bị dạy học, sách vở đến vị trí an toàn được gấp rút triển khai ngay khi có thông tin tỉnh nằm trong khu vực thuộc diện bị ảnh hưởng của cơn bão. Nếu mưa gió lớn, đơn vị sẽ cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Hiện ở địa bàn huyện có khu vực vùng Lìa (gồm các xã Ba Tầng, Thanh, Xy…) thường bị ngập ở điểm cầu tràn mỗi khi mưa lớn kéo dài, gây chia cắt giao thông. Do vậy, các thầy cô giáo ở đây sẽ theo sát, nắm bắt tình hình và thông báo cho các em học sinh nghỉ học khi xảy ra tình huống.

Còn đối với huyện Đakrông, đối với các trường có học nội trú và bán trú, đơn vị đã chỉ đạo, yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho học sinh khi ở lại. Còn với trường hợp học sinh không thể trở về nhà do đường bị ngập lụt, đơn vị cũng yêu cầu nhà trường bố trí nơi ở cho học sinh ngủ nghỉ lại. 

Thu Trang (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer