Cách phòng ngừa tình trạng "tắt tiếng" khi trời chuyển mùa

Thời tiết chuyển mùa, trời đột nhiên nóng hoặc lạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển. Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khản tiếng, mất tiếng,...vốn là những triệu chứng điển hình của viêm thanh quản
19/12/2020 15:04

Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu vào mùa lạnh chị Hoàng Thu Hiền (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) lại sống chung với đau họng, ho, mất giọng… Bệnh cứ đều đặn “đến hẹn lại lên” khiến cô mệt mỏi. Bởi những lúc như thế cảm giác như lúc nào cũng có cục đờm đặc quánh, tắc lại nơi cổ.

“Càng cố khạc càng không được. Có những đợt, tôi chủ quan cứ nghĩ không nghiêm trọng để ho kéo dài hơn hai tháng trời. Vậy là từ đau họng, ho nhiều đau hết cơ bụng, khan tiếng, mất giọng đến khi không chịu được phải đến viện thì đã viêm phế quản. Thậm chí có đợt chỉ ho đến ngày thứ 2- 3 thì đã “tắt tiếng” ngay rồi”, chị Hiền cho hay.

tro-troi-de

Càng nhiều tuổi, chị Hiền rất sợ thời tiết giao mùa. Trong túi đi làm, chị không bao giờ thiếu khăn, dầu gió. Trở trời là chị lục lấy dầu bôi, lấy khăn quàng chặt cổ…trông không khác gì một bà già dù mới ở tuổi 40. Chị bảo, cẩn thận thế nhưng không năm nào chị không bị ho một đợt. Chỉ là nếu phòng cẩn thận thì không bị mất tiếng và xuống phế quản, phổi mà thôi.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, khàn tiếng là một biểu hiện rất hay gặp trong mùa lạnh, thường xuất hiện đột ngột ngay sau khi thấy rùng mình, khô đau họng và… mất tiếng.

Hoặc hiện tượng khàn tiếng xuất hiện sau một số dấu hiệu báo trước 2-3 ngày như ngạt mũi, ho, chảy mũi xuống họng rồi tiếng đặc dần và mất hẳn.

Hoặc sau khi uống bia lạnh, rượu lạnh bạn thấy khô, đau họng, thậm chí khó thở và mất luôn cả tiếng.

Qua thực tế thăm khám và điều trị cho người bệnh bị khàn tiếng, TS. BS Phạm Thị Bích Đào nhận thấy hầu hết bệnh nhân đều có tâm lý lo lắng, không hợp tác được khi khám đặc biệt là động tác phát âm để thăm khám thanh quản.

“Trong khi đó, khám lâm sàng người bệnh có biểu hiện mũi niêm mạc nề, xung huyết, có thể có dịch ở khe mũi - vòm mũi họng. Niêm mạc họng đỏ, thành sau họng có dịch chảy từ mũi xuống.

Đối với vùng hạ họng- thanh quản: niêm mạc nề đỏ, sụn nắp và sụn phễu đôi lúc nề mọng; Dây thanh sung huyết, nề, đọng dịch bề mặt, khép không kín khi phát âm tạo ra khe hở hình thoi”, TS. BS Phạm Thị Bích Đào cho biết.

Theo TS. BS Bích Đào, có tới 60 - 80% nguyên nhân gây khàn tiếng hoặc mất tiếng vào mùa lạnh thường do vi rút, 20 - 30% nguyên nhân khàn tiếng là do vi khuẩn và chỉ khoảng 10% còn lại do dị ứng, do lạnh, hoặc do nấm mốc. Trường hợp sau uống rượu hoặc bia lạnh mà xuất hiện khó thở và khàn tiếng, mất tiếng thường do dị ứng đồ uống gây phù Quink vùng hạ họng - thanh quản.

Căn cứ vào nguyên nhân gây khàn tiếng mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có hướng xử lý cụ thể.

“Việc quyết định liệu trình và các thuốc điều trị phải do bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đảm nhận và theo dõi sát sao, đặc biệt với những trường hợp khó thở, thanh quản không đáp ứng với thuốc, phải cân nhắc vào viện mở khí quản cấp cứu và điều trị nội khoa tại Bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa”, TS Bích Đào nói.

Ngoài ra, theo các chuyên gia tai mũi họng người bị viêm thanh quản nên nói càng ít càng tốt. Đối với trẻ nhỏ bị viêm thanh quản cần tránh để trẻ quấy khóc nhiều. Ngoài ra, người bị khàn tiếng nên uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm lỏng, dễ nuốt.

TS. BS  Bích Đào cũng lưu ý những ngày này người dân nên giữ ấm cơ thể. Nếu ở trong nhà nên giữ không khí ẩm, có thể dùng chậu nước đặt trong phòng (máy sưởi và điều hòa có thể làm không khí bị khô).Tránh khói, bụi, khói thuốc lá.

Để phòng bệnh, người dân nên giữ ấm cơ thể, không ăn thức ăn cay, thực phẩm cay có thể gây ra trào ngược dạ dày. Trong trường hợp bị mất giọng thì người dân cần tránh la hét, nói nhiều đồng thời khẩn trương đi khám bác sĩ để có phương án điều trị kịp thời. Không nên tự ý dùng thuốc cũng như chủ quan nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi. 

Theo Infonet

comment Bình luận

largeer