Trong dân gian, từ lâu, các thế hệ đã truyền nhau nhiều cách trị ho cho trẻ không cần dùng thuốc khá đơn giản bằng cây, quả tự nhiên. Ví dụ như trị ho bằng gừng, trị ho bằng chanh đào, mật ong...
Cách trị ho bằng gừng
Theo các tài liệu Đông y, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thuỷ, giải độc. Trong hầu hết các thang thuốc Đông y, dù bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, các thầy thuốc vẫn thường dùng từ 3 đến 5 lát gừng sống. Ngoài tác dụng hạn chế bớt tính lạnh của các vị thuốc hàn, cách phối hợp này còn giúp cho tỳ vị dễ hấp thu thuốc và người bệnh khỏi nôn ra đối với những thuốc khó uống.
Ngoài ra tùy theo hình thức sử dụng, gừng có nhiều công dụng khác nhau. Gừng sống còn gọi là sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói.
Các nghiên cứu hiện đại nhất còn chỉ ra, gừng có đặc tính kháng virus và kháng nấm, rất tốt khi dùng để phòng và điều trị cúm, cảm lạnh. Đồng thời nhờ có đặc tính kháng histamin, gừng giúp hỗ trợ điều trị Dị ứng.
Theo các kinh nghiệm dân gian, dùng gừng cho Trẻ em với liều lượng hợp lý có thể phòng ho, cảm cúm. Có nhiều cách dùng khác nhau, nhưng có một cách được các bà mẹ đang nuôi con truyền tay khá rộng rãi là xay gừng nhỏ nhuyễn ra, pha thêm chút nước lọc, bóp lấy nước chia thành từng viên bỏ ngăn đá tủ lạnh. Mỗi buổi tắm cho con thì dùng 1 viên pha vào chậu nước tắm ấm. Phần xác gừng đã được giảm chút cay, ngâm với mật ong. Mỗi sáng cho trẻ uống một thìa nhỏ pha loãng. Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì hấp chín rồi mới dùng.
Đây không chỉ là cách trị ho tốt mà cũng là cách phòng cho trẻ khỏi bị cám cúm, nhiễm lạnh, ho khi giao mùa rất hiệu quả.
1. Cách trị ho bằng Dầu tràm
Dầu tràm là một loại dầu được chiết xuất từ tinh dầu cây tràm, trong thành phần có hoạt chất Eucalyptol và α-Terpineol có tác dụng sát khuẩn nhẹ, long đàm. Dầu tràm cũng có tác dụng khử trùng và diệt nấm. Với tác dụng đó, lại có hương thơm dễ chịu nên dầu tràm được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn và nấm đặc hiệu dưới dạng bôi thoa hoặc hít.
Từ lâu dầu tràm đã được sử dụng để phòng ngừa cảm mạo, gió cho người già, người bệnh, sản phụ và trẻ em. Riêng với trẻ em, có thể dùng dầu tràm suốt mùa thu đông bằng cách nhỏ vài giọt vào nước tắm hoặc xoa 1 chút xíu vào lòng bàn chân và vùng ngực cho trẻ trước khi đi ngủ sẽ phòng cảm cúm, ho gió rất tốt.
2. Trị ho bằng Chanh đào, quất
Đây là hai loại quả gần gũi, phổ biến và thường được dùng để trị ho nhiều nhất. Nhưng không chỉ trị ho, hai loại quả này còn có thể được chế biến thành những dạng siro mật ong để lưu trữ lâu dài phòng ho, viêm họng cũng rất hữu hiệu, không chỉ dùng được cho người lớn mà có thể dùng cho cả trẻ nhỏ.
Cách chế biến siro chanh đào mật ong hoặc quất mật ong rất đơn giản: rửa sạch quả, ngâm trong nước muối loãng 0 phút rồi vớt ra để ráo nước. Có thể để chanh, quất nguyên quả hoặc thái lát mỏng. Tỉ lệ 1 chanh:1 mật ong.
Cứ xếp 1 lớp chanh, quất thì đổ 1 lớp mật ong mỏng lên trên, cứ thế cho đến khi đầy bình thì rắc một lớp gừng thái sợi kín mặt ong, chèn một lớp đường phèn mỏng lên trên cùng. Lèn chặt. Đậy kín. Bảo quản tự nhiên khoảng hai tháng thì bỏ tủ lạnh, có thể dùng được lâu dài.
Với trẻ em, có thể cho mỗi ngày 1 thìa cà phê vào sáng sớm ngủ dậy. Cần làm ấm trước khi cho trẻ uống. Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có thể pha loãng để không bị khé họng.
3. Cách trị ho bằng úng chanh hấp đường phèn
Đây được đánh giá là một trong những bài thuốc trị ho và phòng ho tốt nhất cho trẻ.
Húng chanh là cây thân thảo, sống lâu năm. Lá và ngọn ngoài việc dùng làm rau gia vị, còn được sử dụng như một vị thuốc giúp trị cảm cúm, sốt cao, chảy máu cam, viêm họng, khản tiếng...Húng chanh có một số tên gọi khác là rau thơm lông, rau tần lá dày, dương tử tô.
Về thành phần hóa học: Lá chứa ít tinh dầu (0,05-0,12%), trong tinh dầu có đến 65,2% các hợp chất phenolic trong đó có salicylat, thymol, carvacrol, eugenol và chavicol. Đặc biệt, trong lá có chất màu đỏ là colein có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng, mũi, miệng và cả ở đường ruột.
Khi dùng cho trẻ nhỏ, có thể xay nhuyễn hoặc để nguyên lá, thêm đường phèn và một xíu nước lọc (nếu không xay lá) hấp cách thuỷ cho sôi. Trẻ chưa bệnh có thể dùng ngày 1-2 thìa sáng và tối để phòng. Trẻ đang ho dùng 4-5 lần trong ngày, mỗi lần 1-2 thìa cà phê.
4. Trị ho bằng Tổ yến (yến sào) chưng đường phèn
Tổ yến là một đặc sản đắt giá và quý hiếm bậc nhất không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên, không nhiều người biết, tổ yến có tác dụng rất tốt với hệ hô hấp, lại lành tính, có thể dùng được cho cả trẻ nhỏ.
Tổ yến được có nhiều thành phần dinh dưỡng quý hiếm, điển hình là một số loại protein và axit amin như amide, humin, arginine, cystine, histidine, and lysin. Ngoài ra, tổ yến còn được cho là chứa các khoáng chất như canxi, sắt, kali, phốt pho và magie giúp bổ phổi, cường thân, tăng cường hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào, giúp người bệnh nhanh phục hồi.
Trẻ nhỏ có thể dùng tổ yến chưng đường phèn hoặc súp tổ yến, một tuần dùng 1-2 lần, mỗi lần khoảng 1/3-1/2 tai yến.
Trên đây là một vài cách trị ho cho trẻ không cần dùng thuốc, ít tác dụng phụ, đơn giản dễ làm chúng tôi đã tổng hợp để giới thiệu tới bạn đọc.
*Những mẹo nhỏ này chỉ dùng để giảm triệu chứng ho của trẻ. Nếu trẻ ho nhiều, ho lâu, ho kéo dài, ho khiến cơ thể mệt mỏi, sốt, ảnh hưởng sinh hoạt bình thường, phải đưa trẻ đến bác sĩ để nhận được tư vấn tốt nhất.