Căn bệnh không hiếm gặp ở Việt Nam nhưng lại ít được biết đến “lưỡng giới giả nam”

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, hội chứng không nhạy cảm với Androgen (AIS) là một bệnh phổ biến nằm trong những bệnh lý rối loạn phát triển sinh dục liên quan nhiễm sắc thể XY với tỉ lệ hiện mắc ước tính 2:100.000 đến 5:100.000.
08/03/2021 10:25

Cách đây mấy chục năm, tôi được chứng kiến một chị ở Thái Nguyên đi sinh con nhưng khiến các bác sĩ “phát hoảng” vì bộ phận sinh dục của chị còn có cả “cậu nhỏ” như một người đàn ông. Về sau, tôi được biết, những người như thế không hề hiếm gặp ở Việt Nam.

Vì sao có những người mang hình hài như thế - mà các chuyên gia gọi là hội chứng không nhạy cảm Androgen – lưỡng giới giả nam? Cách nhận biết thế nào? Có thể điều trị bằng nội khoa hay ngoại khoa được không? Những yếu tố tâm lý của những người mắc hội chứng này ra sao? Gia đình đóng vai trò thế nào trong việc điều trị? v.v… Những câu trả lời rất hữu ích này cho các bậc phụ huynh sẽ được GS.TS Trần Thiết Sơn – một chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thẩm mỹ cùng các đồng sự của ông chia sẻ trong cuốn sách “Hội chứng không nhạy cảm Androgen – Lưỡng giới giả nam” của Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội (Nhà xuất bản Y học).

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, hội chứng không nhạy cảm với Androgen (AIS) là một bệnh phổ biến nằm trong những bệnh lý rối loạn phát triển sinh dục liên quan nhiễm sắc thể XY với tỉ lệ hiện mắc ước tính 2:100.000 đến 5:100.000. Đây là tình trạng các tế bào không dáp ứng hay đáp ứng một phần với Androgen dẫn đến sự phát triển sai lệch các đặc điểm sinh dục, làm suy yếu hoặc ngăn chặn sự nam hóa của cơ quan sinh dục nam ở thai nhi đang phát triển, cũng như sự phát triển không hoàn chỉnh của các đặc điểm sinh dục nam thứ phát ở tuổi dậy thì hoặc sự thay đổi kiểu hình hoàn toàn sang giới tính nữ ở một số bệnh nhân. Các kiểu hình lâm sang ở những người này thay đổi từ kiểu hình giới tính nam điển hình, các kiểu hình giới tính nữ mơ hồ đến kiểu hình giới tính nữ điển hình.

Từ lâu, người lưỡng giới (hermaphrodite) được coi là những người bất thường với sự tồn tại trên một cơ thể hai cơ quan sinh dục đối ngược khác nhau. Một chặng đường dài y học đi từ những khái niệm sơ đẳng đến nhìn nhận người lưỡng giới hay còn gọi là “ái nam ái nữ” trên một cơ thể, đến việc tìm ra những biến đổi giải phẫu là do các đột biết gen nằm trên nhiễm sắc thể X kéo theo sự không nhạy cảm của thụ thể với nội tiết tố nam Androgen.

Theo GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội đánh giá, cuốn sách “Hội chứng không nhạy cảm Androgen – Lưỡng giới giả nam” giới thiệu một bệnh lý về giới tính ít được biết đến nhưng không phải là hiếm gặp tại Việt Nam. Cuốn sách này là một công trình nghiên cứu của tập thể cán bộ giảng viên và học viên của Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình trong gần một thập kỷ vừa qua. Đây là tài liệu học tập cho các đối tượng sau đại học như bác sĩ nội trú, cao học, chuyên khoa I và nghiên cứu sinh của chuyên ngành. Cuốn sách này cũng là một tài liệu khoa học quý giá và cần thiết cho các bác sĩ chuyên khoa: sơ sinh, nhi khoa, tiết niệu, sản khoa, nam khoa…

bia-hoi-chung-khong-nhay-cam-01-1-2-9892

Sách “Hội chứng không nhạy cảm Androgen – Lưỡng giới giả nam” của Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội (Nhà xuất bản Y học).

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội, chủ biên cuốn sách, cuốn sách đề cập tới những kiến thức cập nhật nhất về một bệnh lý rối loạn giới tính do đột biến di truyền gen không ít gặp trên lâm sang, một bệnh lý thường làm cho các bác sĩ thực hành lâm sang khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị, một bệnh lý cần được chăm sóc bởi nhiều chuyên khoa khác nhau.Cũng theo GS.TS Trần Thiết Sơn, với sự nghiên cứu và kỹ thuật hiện nay các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình đã thực hiện thành công các ca phẫu thuật tạo hình chuyển đổi giới tính và phẫu thuật tạo hình xác định giới tính.

Cuốn sách “Hội chứng không nhạy cảm Androgen – Lưỡng giới giả nam” gồm 10 chương với những nội dung quan trọng như phân tích di truyền học, phôi thai, chẩn đoán, tâm lý, nguyên tắc điều trị, phương pháp phẫu thuật tạo hình xác định giới tính...

Theo Viettimes

comment Bình luận

largeer