Cẩn trọng khi mua bánh Trung thu trong mùa dịch

Lợi dụng bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn, bằng mọi phương thức thủ đoạn, từ nhiều nguồn khác nhau, bánh Trung thu không nguồn gốc vẫn được tuồn vào thị trường nội địa và rao bán trực tiếp cũng như qua mạng xã hội. Do đó, người dân cần thận trọng khi mua bánh Trung thu trong thời điểm này.
16/09/2021 11:26

Hiện nay, trên nhiều trang mạng xã hội Facebook, Zalo đã liên tục xuất hiện những lời quảng cáo, rao bán “Bánh Trung thu siêu ngon, siêu rẻ” là hàng “xách tay” từ nhiều nơi khác nhau hoặc sản phẩm handmade nhà làm với giá bán rẻ tới bất ngờ.

Chẳng hạn như trên sàn thương mại điện tử Shopee, nhiều gian hàng đang quảng cáo, rao bán combo bánh nướng Trung thu mini do Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất chỉ 39.000 đồng/10 chiếc. Tuy nhiên, nếu khách hàng mua theo kg giá chỉ còn 68.000 - 71.000 đồng/kg (20 chiếc). Thậm chí, tại một fanpage chuyên bán buôn đồ ăn vặt trên Facebook đang rao bán bánh Trung Thu do Hongkong (Trung Quốc) sản xuất với giá chỉ 90.000 đồng/kg (18 chiếc), tính ra giá chỉ 5.000 đồng/bánh.

Trên thực tế, thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương trên cả nước liên tiếp phát hiện bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lưu thông trên thị trường. Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 2 Cục Quản lý thị trường Gia Lai kiểm tra kho hàng trên đường Đinh Công Tráng (phường Thống Nhất, TP Pleiku) phát hiện 110 thùng bánh Trung thu với số lượng 6.000 chiếc (trong đó 3.600 chiếc bánh trộn vị và 2.400 chiếc bánh trứng) ghi chữ Trung Quốc. Điều đáng nói, những chiếc bánh này không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc.

thugiubanhtrungthu

Tại Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với Công an Hà Nội đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 1, ngõ 72, đường La Phù, Hoài Đức (Hà Nội) và thu giữ 11.130 chiếc bánh Trung thu, do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Hay trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành đối với một hộ kinh doanh số tiền 12 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật là 1.524 chiếc bánh Trung thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thêm nữa, ở Thái Nguyên phát hiện 2 xe vận chuyển số lượng lớn bánh Trung Thu, thực phẩm các loại nhập lậu; trong đó, xe thứ nhất chở gần 2.500 gói bánh Trung Thu, chả cay các loại. Xe thứ 2 có gần 2.000 sản phẩm thực phẩm các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên có xuất xứ nước ngoài, trên bao bì sản phẩm thể hiện “Made in China".

Thận trọng với bánh không rõ nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất cũng như hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Đáng lưu ý, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

banhtrungthu

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng lưu ý người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website gồm tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiên giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Đặc biệt, nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Người mua hàng tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Ngoài ra, việc giao nhận hàng không nên tiếp xúc trực tiếp, người giao hàng sẽ đặt hàng hóa tại vị trí đã được chỉ định, thông báo cho khách lấy hàng,  đứng chờ khách ở khoảng cách 2-3 mét, không nói chuyện trực tiếp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Người giao hàng phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đơn hàng từ khu vực kho lưu giữ đều được khử khuẩn.

Người tiêu dùng nên lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nếu thanh toán tiền mặt thì nên chuẩn bị đủ số tiền tránh nhận lại tiền thừa.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng virus gây COVID-19 có thể sống đến 24 giờ trên bìa carton và tối đa ba ngày trên nhựa, thép không gỉ. Do đó, nên loại bỏ bao bì của gói hàng ngay lập tức và vệ sinh hàng hóa vừa nhận để hạn chế được tối đa nguy cơ lây nhiễm virus. Sau đó, rửa tay kỹ trong 20 giây.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer