Cảnh báo sa vùng tạng chậu ở phụ nữ trung niên

Sa vùng tạng chậu gồm sa tử cung, bàng quang, trực tràng là bệnh thường gặp ở phụ nữ đã sinh đẻ, ở độ tuổi mãn kinh.
13/04/2021 08:38

Bác sĩ Trần Văn Hùng, khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết sa tạng chậu xảy ra khi các cơ sàn chậu và dây chằng căng ra, yếu đi, không còn đủ lực để nâng đỡ các cơ quan như tử cung, bàng quang, trực tràng... ở vị trí ban đầu. Các cơ quan này từ trên tụt xuống dưới vùng chậu, đi ra ngoài âm hộ. Một người có thể bị sa một tạng hoặc đa tạng.

Sa tạng vùng chậu, hay sa sinh dục, là bệnh ở 40% phụ nữ trên 50 tuổi, theo thống kê năm 2018 của Hội Sàn chậu TP HCM. Bệnh cũng có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, với nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng.

"Đây là bệnh vùng nhạy cảm, không đe dọa tính mạng nên phụ nữ thường ngại đến bệnh viện", bác sĩ Hùng thông tin.

sa tang

Mô tả tình trạng sa bàng quang, trực tràng, tử cung ở phụ nữ. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em.

Theo bác sĩ Hùng, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của bệnh là các khối phồng, có thể sờ thấy ở vùng cửa mình. Nếu là sa tử cung, sẽ có thêm biểu hiện đau, quan hệ tình dục khó khăn. Khối phồng khi tụt ra ngoài thường xuyên gây viêm nhiễm, lở loét, chảy máu, nhiễm trùng... Nếu sa bàng quang, người bệnh thường xuyên đi tiểu không kiểm soát, són tiểu, nhiều khi phải dùng tay đè khối sa xuống mới đi tiểu được. Sa trực tràng, bệnh nhân sẽ đi tiêu khó kiểm soát, tiêu ra máu, táo bón.

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sa tạng chậu là sinh đẻ nhiều và các bệnh gây áp lực ổ bụng như ho kéo dài, táo bón... Bác sĩ Hùng lý giải, phụ nữ khi sinh thường phải rạch tầng sinh môn, như vậy, vùng sàn chậu dễ bị tổn thương. Thêm vào đó, sau kỳ sinh nở, vùng sàn chậu yếu đi rất nhiều, sản phụ cần nghỉ ngơi 6 đến 8 tuần để các cơ dây chằng vùng chậu phục hồi. Làm việc sớm sau sinh dễ dẫn đến sa tạng, nhất là sa tử cung.

Người bị táo bón, đi vệ sinh phải rặn nhiều, hoặc bị lao, các cơn ho nhiều, thường xuyên sẽ gây áp lực thêm lên ổ bụng, khiến cơ sàn chậu yếu dần. Cân nặng người bệnh càng cao thì áp lực cơ thể đổ lên vùng sàn chậu càng lớn.

Theo bác sĩ Phạm Hùng Kiên, khoa Ngoại Tiết niệu, bệnh liên quan đến yếu tố di truyền, gây suy yếu mô liên kết vùng chậu, nhưng tỷ lệ rất nhỏ. Bệnh cũng có tính chất gia đình do tập quán sinh hoạt, làm việc, chế độ ăn uống gần giống nhau.

Để phòng ngừa sa tạng chậu, phụ nữ nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe sinh sản, như tư vấn sinh số con phù hợp, cách rặn sinh, thời gian và chế độ nghỉ ngơi sau sinh. Chế độ ăn uống hợp lý sẽ vừa kiểm soát cân nặng, vừa hạn chế táo bón. Chị em nên tránh mang vác vật nặng trong thời gian dài. Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh lý ho lao, táo bón, là các yếu tố nguy cơ gây sa tạng chậu.

Hiện có nhiều phương pháp điều trị sa tạng chậu. Bệnh nhân sa tạng nặng, bác sĩ phẫu thuật nội soi kéo và treo các tạng sa lên cao, về vị trí ban đầu. Hoặc, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở âm đạo và luồn đặt một tấm lưới đặc biệt nâng bàng quang, tử cung, trực tràng khỏi vùng sàn chậu.

Bệnh nhân sa tạng mức độ nhẹ không cần phẫu thuật. Người bệnh có thể tập các bài tương tự như vật lý trị liệu cho vùng vụng chậu, kết hợp điều trị nội khoa. Nếu kiên trì, hiệu quả điều trị ở bệnh nhân sa tạng độ hai đạt 50-60%, ở độ một còn cao hơn nữa. Các bài tập làm săn chắc các cơ và dây chằng vùng chậu tập trước và sau sinh cũng phòng ngừa sớm sa tạng.

Bệnh nhân già yếu, mắc sa tạng chậu kèm các bệnh lý nội khoa (tim mạch, tiểu đường có biến chứng...) không phẫu thuật mà được đặt vòng nâng tạng sa. Biện pháp này an toàn, hiệu quả nhưng bất tiện khi vệ sinh vùng kín và vòng nâng. Bệnh nhân cần thăm khám định kỳ hàng tháng.

Bác sĩ Hùng khuyến cáo người bệnh tuân thủ hướng dẫn điều trị, kiêng làm việc nặng trong 6 tháng đầu hậu phẫu.Nên lựa chọn bệnh viện có chuyên khoa sản để bác sĩ khám và tư vấn phương án điều trị phù hợp, tránh biến chứng, tái phát.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer