Chăm sóc người bệnh sốt huyết tại nhà cần lưu ý những gì, khi nào cần nhập viện?

Đa số các ca tử vong do sốt xuất huyết thường là các trường hợp tự điều trị tại nhà và chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào viện thì đã ở trong tình trạng sốc sốt xuất huyết. Vậy chăm sóc người bệnh sốt huyết tại nhà cần lưu ý những gì, khi nào cần nhập viện?
17/11/2022 09:00

Dịch sốt xuất huyết thường diễn biến phức tạp theo chu kỳ 4-5 năm. Sau dịch bùng phát phức tạp ở năm 2017, thì dự báo năm 2022 có thể xuất hiện đợt dịch bùng phát lớn. Tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 247.202 trường hợp mắc, 100 ca tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,7 lần, tử vong tăng 80 trường hợp. Con số này tăng hơn 10.000 ca mắc mới và 2 trường hợp tử vong so với tuần đầu tháng 10/2022.

sxh2

(Ảnh minh họa)

Cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế đây là căn bệnh được đánh giá là nguy hiểm, có khả năng bùng phát thành dịch.

Cách chăm sóc và theo dõi bệnh sốt xuất huyết tại nhà

Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà trong trường hợp nhẹ bao gồm:

Cho người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn tại giường.Tăng cường uống sữa, nước trái cây, nước cơm và các dung dịch điện giải đẳng trương (Oresol).

Uống paracetamol để hạ sốt: Liều lượng uống theo hướng dẫn sử dụng, thường là 4gr/ngày đối với người lớn. Còn với trẻ em sẽ tính theo cân nặng của bé. Chườm ấm.

Lưu ý, người bệnh không được sử dụng các loại thuốc steroid, các chất chống viêm không steroid, acid acetylsalicylic (aspirin), mefenamic acid (ponstan), ibuprofen,…

Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng với người bệnh. Tùy vào diễn biến bệnh mà cung cấp chế độ ăn uống phù hợp, nhưng phải đảm bảo: Tăng lượng protein, nhất là những protein có giá trị sinh học cao từ thịt, cá, trứng, sữa,… Tăng tỷ lệ đường đơn, đường đôi (có trong sữa, nước trái cây) và lipid thực vật để cung cấp năng lượng cho cơ thể người bệnh vì lúc này cơ thể người bệnh đang suy nhược, mệt mỏi, rất cần năng lượng để hoạt động.

Không ăn quá nhiều trong một bữa mà hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Điều này vừa tránh gây cảm giác khó chịu khi ăn, vừa tốt cho tiêu hóa của người bệnh. Theo đó, người lớn có thể ăn 4 - 6 bữa/ngày, còn trẻ em thì chia nhiều hơn, khoảng 6 - 8 bữa/ngày. Ưu tiên cho những món ăn lỏng, mềm, dễ nuốt như mì, cháo, súp,…

Quá trình chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà, bạn cần theo dõi sát sao các biểu hiện của người bệnh để nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường khác. Khi đã áp dụng các cách chăm sóc trên nhưng nếu người bệnh có những triệu chứng nặng, nghi bị xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc xuất huyết Dengue nặng thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Triệu chứng cảnh báo người bệnh sốt xuất huyết cần nhập viện ngay lập tức

Khi có các triệu chứng dưới đây, người bệnh cần nhanh chóng nhập viện:

- Nhiệt độ cơ thể người bệnh bỗng nhiên giảm đột ngột.

- Có biểu hiện vật vã, kích thích hay li bì.

- Nôn nhiều, đau bụng không rõ nguyên nhân.

- Đau đầu dữ dội, tiểu ít.

- Có dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa như nôn ra máu, đau bụng ở hạ sườn phải, đi ngoài phân đen, chảy máu âm đạo, chảy máu mũi, máu chân răng.

- Xuất hiện dấu hiệu của suy tuần hoàn: Mạch nhanh và yếu, huyết áp kẹt (chênh lệch dưới 20 mm Hg) hoặc tụt huyết áp so với tuổi.

Khi xuất hiện các triệu chứng trên, người nhà cần đưa người bệnh đến viện để được điều trị kịp thời, phòng tránh tình trạng sốc sốt xuất huyết và các biến chứng có thể xảy ra.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer