Châu Âu: Ráo riết dựng hàng rào phòng vệ trước biến chủng mới

Biến chủng B.1.1.529 xuất hiện trong bối cảnh châu Âu đang chìm trong làn sóng dịch bệnh tồi tệ chưa từng có, buộc nhiều Chính phủ phải mạnh tay siết chặt các biện pháp kiểm soát.
27/11/2021 07:21

Đặc phái viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách COVID-19, ông David Nabarro, hôm 26/11 thừa nhận có những dấu hiệu đáng lo ngại khi quan sát biến chủng mới được tìm thấy lần đầu ở Nam Phi. "Virus dường như có khả năng mạnh hơn vượt qua hệ thống phòng vệ của con người mà chúng ta tạo dựng bằng chương trình tiêm chủng suốt từ đầu năm", ông Nabarro nói, theo South China Morning Post.

Ngay từ trước khi WHO lên tiếng, thông tin về biến chủng mới khiến các nước châu Âu lập tức tăng cường cảnh giác và siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Đến tối ngày 26/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chính thức khuyến cáo các nước thành viên nên đình chỉ chuyến bay từ khu vực miền nam châu Âu cho tới có thêm thông tin về nguy cơ mà biến chủng B.1.1.529 mang lại. "Những người trở về từ khu vực này cần tôn trọng quy định cách ly nghiêm ngặt", bà von der Leyen nói.

Đến nay, 8 nước trong khối đã hành động như vậy, gồm Anh, Áo, Czech, Đan Mạch, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, theo Reuters.

Nguy cơ khiến vaccine mất hiệu quả

Ngay trong hôm 26/11, WHO phải triệu tập một cuộc họp trực tuyến đặc biệt để phân tích thông tin đã thu thập được về biến chủng B.1.1.529. Tác động của các đột biến trên B.1.1.529 đối với những loại vaccine hiện hành có thể sẽ chưa sáng tỏ trong nhiều tuần tới.

"Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu về những đột biến và tác động của chúng đối với khả năng lây nhiễm, cũng như độc lực của biến chủng này", Christian Lindmeier, người phát ngôn của WHO, cho biết.

Đến nay, người nhiễm biến chủng B.1.1.529 bên ngoài châu Phi đã được ghi nhận ở Israel, Bỉ và Hong Kong (Trung Quốc).

81

Các nhà khoa học lo ngại biến chủng B.1.1.529 sẽ khiến các loại vaccine COVID-19 mất tác dụng

Ngay sau khi thông tin về biến chủng B.1.1.529 được WHO xác nhận, chính phủ hàng loạt quốc gia, từ châu Âu tới châu Á, đã siết chặt các biện pháp phòng dịch, đóng cửa biên giới với người đến từ các nước miền Nam châu Phi.

"Liên quan tới triển khai biện pháp hạn chế di chuyển, WHO khuyến nghị các nước tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận khoa học và dựa trên đánh giá rủi ro", ông Lindmeier nói.

Đại diện của WHO cho biết tổ chức sẽ hướng dẫn các quốc gia cách thức phản ứng cần thiết trước biến chủng mới.

Nếu được WHO xếp vào nhóm "đáng lo ngại", biến chủng B.1.1.529 sẽ đứng chung nhóm với biến chủng nguy hiểm nhất hiện nay là Delta.

Tuy nhiên, một số cảnh báo cho rằng biến chủng mới thậm chí còn đáng sợ hơn Delta, bởi 32 đột biến ở gai protein có thể giúp biến chủng này kháng vaccine mạnh hơn.

Số đột biến trên biến chủng B.1.1.529 lớn hơn nhiều so với đột biến trên hai biến chủng nguy hiểm là Delta (với 2 đột biến) và Beta (3 đột biến).

Các nhà khoa học Anh và Nam Phi cảnh báo biến chủng mới có khả năng xóa sạch những thành tựu tiêm chủng mà nhân loại đạt được trong 11 tháng vừa qua.

"Điều đáng lo ngại là khi virus có quá nhiều đột biến, hành vi của virus có thể sẽ thay đổi", Maria Van Kerkhove, một chuyên gia hàng đầu của WHO về COVID-19, cảnh báo.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết giới chức Anh "quan ngại sâu sắc" trước biến chủng B.1.1.529 bởi nó có thể khiến các vaccine hiện nay giảm tác dụng.

Cơn ác mộng mới cho châu Âu?

Chính phủ các nước châu Âu đã nhanh chóng nâng cao cảnh giác trước thông tin về biến chủng B.1.1.529. Lúc này, một làn sóng dịch bệnh tồi tệ chưa từng có đang bùng lên ở nhiều nước châu Âu.

"Điều cuối cùng mà chúng ta muốn chứng kiến lúc này là để một biến chủng mới xâm nhập có thể gây ra vấn đề tồi tệ hơn", Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói.

Ủy ban châu Âu cho biết sẽ nhanh chóng phối hợp hành động của các nước trong khối. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất tất cả thành viên khẩn cấp đình chỉ di chuyển đường không với khu vực phía nam châu Phi.

Chính phủ Đức tuyên bố đề xuất của bà von der Leyen có thể được thực hiện ngay tối 26/11 (giờ địa phương). Bộ trưởng Y tế Spahn cho biết các máy bay trở về từ Nam Phi sẽ chỉ được phép đưa công dân Đức về nước. Những người này sẽ phải cách ly 14 ngày ngay cả khi đã tiêm đủ liều vaccine.

Cùng ngày, Hà Lan và Italy ban bố lệnh cấm nhập cảnh với người đã từng đến 7 quốc gia châu Phi, gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini, trong 14 ngày qua do lo ngại biến chủng mới.

80

Các nước châu Âu lập tức nâng cao cảnh giác trước biến chủng mới

"Đây là những quốc gia thuộc khu vực có rủi ro cao", Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo De Jonge cho biết.

Các nhà khoa học hiện phải chạy đua với thời gian để làm rõ tác động của biến chủng virus mới đối với vaccine, lo ngại B.1.1.529 có thể lây lan mạnh hơn, kháng vaccine dễ dàng hơn so với Delta - biến chủng khiến hàng loạt quốc gia quay trở lại với ác mộng COVID-19 sau khi tưởng như đã kiểm soát được dịch bệnh.

"Đây có thể là biến chủng nguy hiểm nhất chúng ta phải đối mặt cho đến nay, các nghiên cứu đang được khẩn trương tiến hành để xác định mức độ lây lan, độc lực và khả năng kháng vaccine của virus", Jennie Harries, chuyên gia y tế của chính phủ Anh, cho biết.

Ngay từ trước khi Nam Phi công bố thông tin về biến chủng mới, nhiều nước châu Âu đã có kế hoạch tung ra những biện pháp mới nhằm tăng độ bao phủ vaccine, siết chặt kiểm soát dịch bệnh nhắm vào những người chưa tiêm chủng.

Đức, Cộng hòa Czech và Bồ Đào Nha - những nước có tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất thế giới - đã ban bố hàng loạt biện pháp mới nhằm ngăn chặn làn sóng ca mắc COVID-19 tồi tệ chưa từng có.

Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo chính phủ kế nhiệm cần cảnh giác với làn sóng dịch bệnh hiện nay, khi số ca mắc COVID-19 chạm mốc kỷ lục 74.579 hôm 25/11. Số người chết vì COVID-19 ở Đức đã vượt 100.000 trường hợp.

Hôm 25/11, Pháp cũng khởi động chiến dịch tiêm mũi vaccine bổ sung cho tất cả người trưởng thành. Đồng thời, cơ quan y tế EU phê chuẩn mũi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em nhóm 5-11 tuổi.

Theo Zing

comment Bình luận

largeer