Chiến dịch tiêm vaccine ‘nở hoa’ của Campuchia

Tuy được đánh giá là nước nghèo, Campuchia đang đứng thứ hai về tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore.
09/06/2021 17:08

 Là quốc gia với hơn 16 triệu dân, Campuchia đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho khoảng 10 triệu người - tương đương 62% tổng dân số - trong năm 2021 hoặc trong quý đầu năm 2022. Tới giữa năm 2022, Campuchia dự kiến hoàn tất công tác tiêm chủng cho hơn 95% dân số.

Chương trình tiêm chủng của Campuchia được bắt đầu vào ngày 10/1. Đến ngày 30/5, hơn 2,5 triệu người Campuchia và người nước ngoài tại đây - tương đương 25,67% của mục tiêu 10 triệu người - đã được tiêm liều một, theo số liệu từ Ủy ban Đặc biệt Quốc gia về tiêm chủng COVID-19. Trong số này, hơn 1,9 triệu người đã tiêm liều hai.

Với con số trên, Campuchia có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao thứ hai (15,7% tổng dân số) trong khu vực các nước ASEAN, sau Singapore (40% tổng dân số), theo dữ liệu ngày 31/5 từ dự án Our World In Data do Đại học Oxford (Anh) tổng hợp.

Yếu tố gì giúp chương trình tiêm chủng của Campuchia tiến triển như vậy?

anh1

Campuchia nhận lô vaccine Sinovac thứ hai từ Trung Quốc vào ngày 17/4. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Nguồn cung vaccine được đảm bảo

Chương trình tiêm chủng của Campuchia đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của một số quốc gia khác, cụ thể là Australia và Trung Quốc.

Ngày 1/2, chính phủ Australia thông báo đã viện trợ 28 triệu USD để triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho 1,5 triệu người dân Campuchia. Phần lớn khoản viện trợ này sẽ được Campuchia dùng để mua vaccine.

Quan trọng hơn là nguồn cung vaccine mà Campuchia nhận được. Từ ngày 7/2 tới ngày 23/5, nước này nhận hơn 6 triệu liều vaccine, theo Khmer Times. Trong đó, 1,7 triệu liều Sinopharm do Trung Quốc quyên tặng, 324.000 liều AstraZeneca từ COVAX Facility, và 4 triệu liều Sinovac mua từ Trung Quốc.

Các lô vaccine Sinovac được đều đặn đến Campuchia bắt đầu từ tháng 3. Lô đầu tiên gồm 1,5 triệu liều đến vào ngày 26/3. Lần lượt vào ngày 17/4, ngày 11/5 và 16/5, Campuchia nhận ba lô Sinovac, mỗi lô 500.000 liều. Ngày 23/5, quốc gia này tiếp tục nhận 1 triệu liều Sinovac.

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath ngày 23/5 cho biết chính phủ đã đặt thêm vaccine Sinopharm và Sinovac, dự kiến nhận thêm 4,5 triệu liều vào tháng 6.

Ưu tiên ban đầu trong chiến dịch tiêm chủng của Campuchia là nhân viên y tế tuyến đầu, sĩ quan quân đội, và một số quan chức chính phủ, bao gồm con trai ông Hun Sen và một số quan chức chính phủ khác.

Thủ tướng Hun Sen, 68 tuổi, từng cam kết sẽ tiêm liều vaccine đầu tiên. Nhưng do vaccine Sinopharm chỉ được Trung Quốc phê duyệt cho người 18-59 tuổi, ông Hun Sen phải chờ tới giai đoạn 2, bắt đầu từ đầu tháng 3. Trong giai đoạn 2, người trên 60 tuổi được ưu tiên tiêm vaccine AstraZeneca.

Dần dần, chiến dịch tiêm chủng được mở rộng cho các nhóm ưu tiên khác và công chúng. Ngày 7/4, Campuchia bắt đầu tiêm chủng cho khoảng 850.000 công nhân ngành dệt vì đây là xương sống 7 tỷ USD của nền kinh tế nước này, theo Reuters.

h2

Hun Manet, con trai Thủ tướng Campuchia Hun Sen, tiêm vaccine trong đợt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vào ngày 10/2. Ảnh: Reuters.

Chiến dịch tiêm chủng “nở hoa”

Điểm đặc biệt trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại Campuchia là cách phân vùng ưu tiên. Theo kế hoạch chiến lược của chính phủ mà Phnom Penh Post có được, chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại Campuchia sẽ được thực hiện theo dạng “hoa nở”. Tức là, việc tiêm chủng sẽ bắt đầu ở trung tâm cả nước rồi dần tỏa ra ngoài.

Chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh - nơi gần trung tâm và cũng là thành phố lớn nhất nước - và tỉnh Kandal lân cận. Việc tiêm chủng sẽ dần được mở rộng, với ưu tiên là các vùng đông dân nhất.

Đồng thời, Campuchia sẽ được chia làm các khu vực tiêm chủng với 3 mức độ ưu tiên cao, trung bình, và thấp. Theo cách tiếp cận “hoa nở”, chiến dịch tiêm chủng quốc gia ở vùng ưu tiên cao phải được hoàn thành trong năm 2021 và sớm nhất có thể.

Các khu vực ưu tiên cao bao gồm 70 quận trên khắp cả nước, bao gồm Phnom Penh, Kandal, và các khu vực quan trọng về kinh tế như Sihanoukville, quận Bavet của tỉnh Svay Rieng,…

Tổng số người dân trên 18 tuổi sống tại những khu vực ưu tiên cao là 4,9 triệu người - chiếm 48,57% số người trưởng thành của cả nước.

“Vì thế, việc tiêm chủng cho mọi người trên tuổi 18 ở những khu vực ưu tiên cao này sẽ khiến kinh tế-xã hội cả nước mau chóng phục hồi”, bản kế hoạch chỉ ra.

Quân đội Campuchia cũng được chính quyền huy động để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại Phnom Penh, bắt đầu từ ngày 1/5, theo Reuters.

Sau một tháng, chiến dịch tiêm chủng cho 6 quận của Phnom Penh - những vùng từng là vùng đỏ với nguy cơ COVID-19 cao nhất - đã tiêm vaccine cho 900.000 trong số 1,3 triệu người trong nhóm được tiêm chủng, theo Ith Sarath, Phó tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia.

hi2

Quân đội được giao tiêm chủng cho người dân ở Phnom Penh. Ảnh: Reuters.

Thách thức trước mắt

Dù có chiến dịch tiêm chủng tương đối thành công, Campuchia vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong cuộc chiến chống COVID-19.

Sau nửa tháng giảm dần, số ca nhiễm mới có xu hướng tăng trở lại trong những ngày gần đây. Trong một tuần trở lại cho đến ngày 1/6, Campuchia trung bình ghi nhận thêm 635 ca dương tính với virus corona mỗi ngày. Hiện, quốc gia này có tổng cộng 30.710 ca nhiễm COVID-19 và 220 ca tử vong.

Trong một buổi họp báo gần đây, người phát ngôn Bộ Lao động Campuchia cho biết hơn 200 nhà máy trong nước đã phải tạm ngừng hoạt động do phát hiện ca nhiễm COVID-19. Hơn 1.600 công nhân dương tính với virus, hơn 10.000 người phải cách ly trong hai tuần, theo Phnom Penh Post.

(Theo zingnews)

comment Bình luận

largeer