Chủ động nâng cao sức đề kháng phòng dịch COVID-19

Ths.BS. Trần Quốc Khánh - Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đưa ra 10 điều thiết yếu ngay bây giờ để mọi người chủ động nâng cao sức đề kháng phòng dịch COVID-19.
26/05/2021 12:19

1. Luôn uống đủ nước, đặc biệt mùa hè này

Cách đơn giản để đảm bảo cơ thể luôn đủ nước đó chính là luôn mang theo chai nước bên mình để uống sau một quãng thời gian nhất định và đừng quên quan sát màu sắc nước tiểu.

2. Dinh dưỡng

- Nguyên tắc: Đảm bảo 4 thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn: Tinh bột + đạm + chất béo + chất xơ rau củ quả (Vitamin khoáng chất) và bữa sáng ăn nhiều nhất, bữa trưa ăn ít, bữa tối ăn rất nhẹ nhàng.

- Tăng cường sử dụng những gia vị tốt như chanh, nghệ, gừng, tỏi, hành, sả, ớt đỏ, tiêu đen...và những trái cầy mùa hè như cam quýt, bưởi, thanh long, đu đủ, cà chua..Chúng rất chất chống oxy hóa cũng như kháng sinh tự nhiên giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh. Chất béo lành mạnh có trong dầu ô liu, các loại hạt, cá hồi, cá trích, các loại cá da dầu... giúp tăng cường phản ứng miễn dịch và ngăn ngừa tình trạng viêm mạn tính của cơ thể.

- Bổ sung thực phẩm lên men hoặc probiotic như sữa chua, dưa cải bắp, kim chi, kefir và natto…để hỗ trợ mạng lưới vi khuẩn đường ruột phát triển mạnh mẽ, giúp các tế bào miễn dịch phân biệt giữa các tế bào bình thường khỏe mạnh và các sinh vật xâm nhập có hại.

20200328_063448_493247_theduc.max-800x800

- Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) Hoa Kỳ thì không có bằng chứng nào hỗ trợ việc sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào để ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các chất bổ sung có thể tăng cường phản ứng miễn dịch chung cho cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, mọi người nên mua những sản phẩm đã được kiểm nghiệm độc lập bởi ba tổ chức: Dược điển Hoa Kỳ-United States Pharmacopeia (USP), Trung tâm hợp tác về an toàn thực phẩm và nước uống của WHO-National Santination Foudation International (NSF) và ConsumerLab.

3. Thực hành lối sống vệ sinh mỗi ngày, rất quan trọng

- Thực hiện 5K theo khuyến cáo Bộ Y tế.

- Rửa tay thường xuyên (Trước khi ăn, trước khi đưa tay lên mặt mũi mắt...và sau khi đi vệ sinh, sau khi đi ra ngoài về, sau khi bắt tay nhiều người hay thanh toán tiền, sau khi chăm sóc người ốm, sau khi cho sức vật ăn, sau khi hắt hơi xì mũi...).

- Súc/ngậm họng bằng nước muối, nhỏ mắt nhỏ mũi trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.

- Không dùng chung bát đũa nước chấm, không ăn tiết canh hay các loại thịt chưa nấu chín kỹ,

- Tuyệt đối không khạc nhổ bừa bãi, hành động mất vệ sinh nhất trong những hành động mất vệ sinh.

- Đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài và giặt/thay khẩu trang sau mỗi ngày, anh chị nhé!

- Không đứng quá gần khi nói chuyện, hạn chế tiếp xúc bắt tay thời gian này.

- Hạn chế xuất hiện nơi có mật độ người cao, đặc biệt trong môi trường điều hoà như trung tâm mua sắm, siêu thị, tiệm tóc, bệnh viện, nhà hàng…

- Tẩy giun sán định kỳ cho cả nhà 6 tháng/1 lần.

4. Vận động thể chất

Thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường lưu thông khí huyết, thúc đẩy các tế bào miễn dịch tái tạo thường xuyên. Hầu hết mọi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần (Tương đương 30’ mỗi ngày/5 ngày trong tuần) với những môn như đi bộ, chạy bộ, gym, bài tập với bóng cao su tại nhà, đạp xe, bơi, yoga, bóng bàn, bóng đá...

5. Ngủ đủ giấc

Người lớn nên đặt mục tiêu ngủ từ 6 giờ trở lên mỗi đêm và nên ngủ trước 22h trong khi thanh thiếu niên cần 8–10 giờ, trẻ nhỏ có thể lên đến 14 giờ/1 ngày.

186491355_2647899118840454_4749625931156587970_n

Ths.BS. Trần Quốc Khánh - Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

6. Nuôi dưỡng tâm lý bình an

Khi chúng ta vui cười, tâm lý thoải mái, không giận dữ hay thù hận thì cơ thể sẽ âm thầm tự động tiết ra những hóc-môn nội sinh điều hoà hệ thống các cơ quan giúp tăng cường hệ miễn dich cũng như trẻ lâu. Những hoạt động giúp kiểm soát căng thẳng bao gồm thiền định, tập thể dục, đọc sách, viết nhật ký, yoga, gặp gỡ người lạc quan và thực hành chánh niệm.

7. Xây dựng lối sống lành mạnh

Bỏ thuốc lá, giảm bia rượu, tránh thức quá khuya, tránh bỏ bữa sáng, giảm cân nặng, tránh ngồi điều hoà quá nhiều…để đảm bảo hệ miễn dịch không bị tổn thương, anh chị nhé!

8. Tiêm chủng đầy đủ

Hằng năm thế giới ghi nhận hơn nửa triệu người tử vong vì những bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin và hầu hết xảy đến ở các nước kém phát triển hoặc đang phát triển => Với người lớn, chúng ta cần tiêm phòng những vắc-xin: Cúm (tiêm hằng năm), uốn ván, ho gà, bạch hầu, viêm gan A, viêm gan B, thuỷ đậu, sởi-quai bị-Rubella, phế cầu, HPV. Với trẻ em, ngoài thực hiện theo lịch tiêm chủng mở rộng thì chúng ta cũng cần cho trẻ tiêm dịch vụ để bảo vệ trẻ tốt hơn như vắc-xin phòng bệnh HPV, cúm, thuỷ đậu, viêm gan A, tiêu chảy, MMR…

9. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ và tập trung điều trị dứt điểm những bệnh lý (nếu có)

Để kịp thời phát hiện và chữa trị những thương tổn ngay từ khi còn trong trứng nước, có như vậy mới góp phần đảm bảo hệ miên dịch khoẻ mạnh từ bên trong. Chúng ta sẽ không thể khoẻ mạnh được nếu trong người còn tồn tại một ổ viêm nhiễm mạn tính nào đó (Viêm tai giữa, viêm amidan mạn, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, nhiểm khuẩn tiết niệu, viêm phổi tái diễn…)

10. Người già cần đặc biệt lưu tâm bảo vệ

Khi chúng ta già đi, khả năng đáp ứng miễn dịch suy giảm kèm theo những bệnh lý mạn tính xuất hiện dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp, cúm, vi rút COVID-19 và đặc biệt viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trên 65 tuổi trên toàn thế giới. Ngoài ra, dường như có mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sự suy giảm miễn dịch ở người cao tuổi. Một dạng suy dinh dưỡng phổ biến ngay cả ở các nước giàu có gọi là "suy dinh dưỡng vi chất dinh dưỡng: thiếu một số vitamin và khoáng vi lượng cần thiết” hay xảy ra ở người cao tuổi do họ thường ăn ít cũng như ít đa dạng trong chế độ ăn hằng ngày. Điều này giải thích vì sao chúng ta cần ưu tiên chăm sóc bảo vệ người già, đặc biệt là cân bằng dinh dưỡng cũng như kiểm soát các bệnh mạn tính.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer