Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Chủ tịch Hồ Chí Minh: tấm gương đạo đức sáng ngời, đức tính giản dị và trí tuệ uyên bác

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”.
18/05/2025 10:09

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam, Người đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc – con đường cách mạng vô sản, sáng lập – lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Người lãnh đạo Nhân dân tiến hành cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi (1945 – 1975). Bên cạnh đó, Người còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta di sản vô cùng to lớn về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; một trí tuệ mẫn tiệp, uyên bác, lối sống thanh bạch, giản dị đời thường và tràn đầy tình yêu thương.

Cuộc sống giản dị, đời thường và tràn đầy tình yêu thương

Sinh ra trong một gia đình nho học yêu nước có nguồn gốc nông dân, hàng ngày được tiếp xúc, chứng kiến cuộc sống khổ cực, đời thường của người nông dân xứ Nghệ, kế thừa những đức tính tốt đẹp của người mẹ hiền tần tảo sớm hôm, từ rất sớm, cũng như trong quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng và đến khi làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương sáng ngời về dức hy sinh, lòng vị tha, cuộc sống giản dị, thanh bạch, đời tư trong sáng.  

1..

Tinh thần vượt khó tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đức tính giản dị, thanh bạch của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết được thể hiện trong lối ăn, mặc, ở của Người. Những bữa cơm của Người, kể cả cho đến khi làm Chủ tịch nước, miền Bắc giải phóng trở về Hà Nội, cũng chỉ đơn thuần với cá kho, cà muối, canh rau,… là những món ăn yêu thích mang đậm tính quê hương xứ Nghệ như Nhà thơ Việt Phương đã từng viết: “Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ,…”. Sau mỗi bữa ăn, Người luôn tự tay thu dọn bát đũa gọn gàng để người phục vụ đỡ mất thêm nhiều công sức.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su được cắt từ lốp xe ô tô hỏng thu của địch. Cổ áo bị sờn, chiếc Tất thủng, Người tự tay khâu vá. Cuộc sống của vị Chủ tịch nước rất đỗi bình dị, gần gũi. Khi ở chiến khu, Người ăn cùng, ở cùng với cán bộ, chiến sỹ, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với cán bộ, nhân viên, chiến sỹ cảnh vệ được ví như cha với con, như anh với em, rất tình cảm, đầm ấm.

8...

Bác Hồ ăn cơm cùng các chiến sỹ bộ đội Quảng Ninh năm 1965 (Ảnh TTXVN)

Sự khác biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các vị lãnh đạo trên thế giới đó là, nếu như hầu hết các vị lãnh đạo trên thế giới nơi ở và làm việc của họ thường rất rộng rãi, hoành tráng, nguy nga tráng lệ, thì nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đơn sơ và đời thường. Những năm sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng (1941 – 1945), nơi ở và làm việc, triệu tập các cuộc họp Trung ương, ra các quyết định trọng đại đối với dân tộc của Người là “Hang” là “Lán”, như Hang Cốc Bó, chiếc bàn đá bên bờ suối là nơi Người làm việc và “dịch sử Đảng”; Lán Khuổi Nậm - nơi triệu tập Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941); Lán Là Nưa - nơi Bác ở và ra các quyết định quan trọng cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về thủ đô Hà Nội. Tại đây, Trung ương Đảng và Chính phủ đã bố trí cho Bác nơi ở và làm việc mới tại toàn nhà của Toàn quyền Đông Dương trước kia, nhưng Bác đã từ chối với lý do đất nước còn khó khăn, để dành làm nhà tiếp khách cho Đảng và Nhà nước và Bác đã chọn cho mình gian nhà cấp bốn rộng khoảng 50m2, ẩm thấp của người thợ điện từng phục vụ trong phủ Toàn quyền Đông Dương để ở và làm việc.

Năm 1958, theo ý tưởng của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã dựng cho Bác một ngôi nhà sàn theo kiểu nhà của đồng bào dân tộc thiểu số ở chiến khu Việt Bắc – nơi Bác đã cùng đồng bào “đồng cam cộng khổ” những ngày tiền khởi nghĩa và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Hình ảnh ngôi nhà sàn giản dị, đơn sơ rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam và đã đi vào thơ ca: “Nhà gác đơn sơ một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn/ Giường mây, chiếu cói, đơn chăn gối/ Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn”1. Nhà sàn – nơi làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch chính là địa danh phản chiếu về cuộc đời thanh bạch, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi ghi nhiều dấu ấn trong cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng của Người: Năm 1965 tại nơi đây Người bắt đầu viết Bản Di Chúc với những lời căn dặn tâm huyết có tầm chiến lược cho đời sau; năm 1966 khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt, Người viết Lời kêu gọi đồng bào cả nước quyết tâm kháng chiến với lời khẳng định bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.,…

nha-san-bac-ho

Nhà sàn - nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1958 - 1969

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, luôn hết lòng hết sức “phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Cả cuộc đời của Bác chỉ đau đáu một niềm “ham muốn tột bậc” là đất nước được hoàn toàn độc lập, dân tộc được tự do, Nhân dân được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”2.

Không chỉ trong lời ăn tiếng nói, Bác luôn quan tâm, gần gũi nhân dân bằng những hành động cụ thể thiết thực. Bác đến với các chiến sỹ trên mặt trận, cùng chiến sỹ hành quân; Bác đi thăm chỗ ở, nhà bếp, nhà vệ sinh của các gia đình, tập thể; Bác trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con về sâu bệnh, về thủy lợi; Bác đến thăm các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; Bác viết thư thăm hỏi người già, trẻ em… Tình yêu thương vô bờ bến của Người được thể hiện rõ nét trong Bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của Nhạc sỹ Thuận Yến: “Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc Nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác thương các cụ già, xuân về dâng biếu lụa. Bác thương đàn cháu nhỏ, trung thu gửi cho quà. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng. Bác thương người chiến sỹ đứng gác ngoài biên cương. Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương. Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn tình thương”. Cùng với đó là những tình cảm đặc biệt dành cho Nhân dân miền Nam: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”; “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”,…

Tấm gương vượt khó tự học, trí tuệ mẫn tiệp uyên bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó tự học, học tập suốt đời. Người từng nhấn mạnh: “Cuộc đời là nấc thang không có nấc chốt, việc học là quyển vở không có trang cuối cùng. Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Mục đích của việc học là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”3.

bac-ho-lam-viec-trong-vuon-phu-chu-tich

“Người ngồi đó với cây chì đỏ / Vạch đường đi từng bước, từng giờ” (Tố Hữu).

Từ thực tiễn lịch sử dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhận thức được rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, Người đã quyết tâm sang phương Tây tìm đường cứu nước với mục đích ban đầu “xem xét họ làm ăn thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Từ nhận thức đó, trong hành trình tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phát huy tinh thần vượt khó, tìm tòi, học tập, bôn ba gần 30 nước và vùng lãnh thổ, làm 17 nghề để mưu sinh, tự học và biết tới 28 ngoại ngữ. Nhờ vậy, ở Người có một trí tuệ mẫn tiệp, tri thức uyên bác “Thượng thông thiên văn, hạ tường địa lý, trung thông niên sử”, Đông Tây kim cổ, thông thạo nhiều ngoại ngữ, được cả thế giới đánh giá là nhà chính trị tài ba, nhà ngoại giao sắc sảo, nhà báo, nhà thơ lớn của dân tộc và được UNESCO công nhận là “danh nhân văn hóa kiệt xuất”. Nhưng Người tuyệt nhiên không cao đạo, không hàn lâm bác học, mà rất thực tiễn, giản dị và đời thường. Từ suy nghĩ, cảm xúc, nói và viết như lời ăn tiếng nói của người dân bình thường. Người truyền tải những tư tưởng lớn một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên, đơn giản, không triết lý dài dòng, không vòng vo khuôn phép, từ đó đi thẳng vào lòng dân chúng như những lẽ phải thông thường.

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Người – một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam. “Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời! Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh; thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”4.

Vũ văn Chương

Tài liệu tham khảo:

1.Tố Hữu: Bài thơ “Theo chân Bác”.

  • Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 379.
  • Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 6 Nxb CTQGST, Hà Nội 2011, tr. 208.
  • Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).
comment Bình luận