Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương bình, gia đình liệt sỹ được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau, từ viết thư động viên thăm hỏi, đến những hành động thiết thực
25/07/2021 08:07

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ và công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Người luôn khẳng định những hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh đối với sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc. Do vậy, quan tâm, chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ được Người đặc biệt quan tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhận thức được công tác quan tâm, chăm sóc thương binh, liệt sĩ có ý nghĩa lớn lao thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chế độ mới. Trong bộn bề khó khăn của đất nước buổi đầu giành độc lập, tháng 7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh”, để nhân dân ta có dịp bày tỏ lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh và những người có công với cách mạng.

Trên cơ sở đó, ngày 27/7/1947, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định chọn làm “Ngày thương binh”. Đến năm 1955, “Ngày thương binh” được đổi thành “Ngày thương binh liệt sĩ”

image002

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương bình, gia đình liệt sỹ được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau, từ viết thư động viên thăm hỏi, đến những hành động thiết thực, cụ thể.

Nhân dịp tháng 7 hàng năm, Người thường xuyên viết thư gửi anh em thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, Người trực tiếp đến đặt vòng hoa viếng tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Qua đó, khẳng định những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập, đồng thời thăm hỏi động viên các anh em thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ nhanh chóng vượt qua mất mát đau thương sớm trở lại với cuộc sống, tiếp tục lao động sản xuất, xứng đáng với danh hiệu “thương binh tàn nhưng không phế”.

Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, ngày 17/7/1947, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”. [1]

Người khẳng định, để có được nền độc lập dân tộc, cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc của nhân dân chính là nhờ sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh: "...Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ” [2]

Trong các bức thư gửi anh em thương binh, bên cạnh việc động viên thăm hỏi, Người còn nêu lên những tấm gương thương binh, bệnh binh biết vượt qua khó khăn, mặc cảm trong cuộc sống, trở thành những con người thực sự có ích cho gia đình và xã hội. Họ thực sự là những “thương binh tàn nhưng không phế”. Trong Thư gửi anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ nhân ngày 27/7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong năm qua, các gia đình liệt sĩ và anh em thương, bệnh binh đã đóng góp khá nhiều vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhiều gia đình liệt sĩ đã hăng hái tham gia tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp và đạt được thành tích khá trong công việc sản xuất và tiết kiệm … Nhiều tập đoàn sản xuất của thương, bệnh binh đã đạt được những kết quả tốt, như: Tập đoàn thương binh Ba Tơ (Thanh Hóa), hợp tác xã nông nghiệp của anh em thương binh ở Lý Thành (Nghệ An) … Đồng chí Phạm Văn Toàn (thương binh hạng 3) là Chủ nhiệm hợp tác xã Nam Tiến (Thái Bình); Đồng chí Nguyễn Văn Hồi (thương binh cụt chân) là Phó chủ nhiệm hợp tác xã Tân Đoài (Thanh Hóa)…” [3]

Bên cạnh việc thăm hỏi, động viên, Người cũng thẳng thắn phê bình một số anh em thương binh, bệnh binh “vẫn còn tư tưởng và hành động không đúng, không gương mẫu, chưa thật đoàn kết với đồng bào địa phương” [4]. Đồng thời mong muốn họ vượt qua khó khăn, hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, không được tự ti, bi quan chán nản: “Về phần anh em thương binh, bệnh binh: Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân. Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật. Chớ bi quan chán nản. Phải luôn cố gắng … Đồng bào sẵn sàng giúp. Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm, thì anh em nhất định dần dần tự túc được.” [5]

Sự quan tâm, chăm sóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh liệt sĩ không chỉ dừng lại ở những lời động viên thăm hỏi, mà còn thể hiện ở những hành động cụ thể, thiết thực. Ngày 16/2/1947, khi cuộc kháng chiến chống pháp lần hai đang diễn ra ác liệt, Người đã ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ “hưu bổng thương tật” và “tiền tuất tử sĩ”.

Nhân ngày 27/7 hàng năm, Người đã trực tiếp gửi tặng các thương binh, gia đình liệt sĩ quà (do đồng bào cả nước gửi biếu bác), tiền lương tiết kiệm nhân dịp ngày Thương binh liệt sĩ, ngày lễ tết  hàng năm; trực tiếp đến các trại an dưỡng thăm hỏi động viên anh em thương binh. Trong thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức Ngày thương binh toàn quốc năm 1947, Người viết: “Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ.00)” [6]

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm của gia đình các thương binh, liệt sĩ, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chứ không phải là công việc ban ơn, làm phúc. Người nhấn mạnh: "Về phần đồng bào: Nên coi đó là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc "làm phúc"... cần phải tổ chức sẵn sàng việc giúp đỡ cho anh em có thể sớm tự túc dần dần..." [7]

Người chỉ rõ, đối với các cấp chính quyền ở địa phương, tùy theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mình mà giúp đỡ, chăm sóc thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, sao cho đạt hiệu quả thiết thực nhất. "Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh. Giúp lâu dài, chứ không phải chỉ giúp trong một thời gian. Không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh...".

Những người đã hy sinh trong kháng chiến thì “mỗi địa phương (thành phố, làng xã), cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.”. Với cha mẹ của họ thì “chính quyền địa phương ... phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét". Với những thương binh, bệnh binh, những người đã hy sinh một phần xương máu của mình, thì “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh" [8]

74 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện. Các hoạt động tri ân, phong trào xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, đi tìm đồng đội, cầu siêu, thắp nến tri ân, xây dựng sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, trao học bổng cho con em thương binh liệt sĩ … diễn ra sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.

unnamed

Thấm nhuần và thực hiện tốt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, sẽ góp phần tô thắm thêm truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đồng thời thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

 

  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 175.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 464.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 492.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 216.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 533.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 176.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 532.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 510

 

Thạc sỹ Vũ Văn Chương

 

comment Bình luận

largeer