Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu niên, nhi đồng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại muôn vàn tình yêu thương đối với Nhân dân ta, trong đó, Người luôn dành tình cảm đặc biệt nhất, sâu sắc nhất cho thiếu niên, nhi đồng – những “mầm non”, chủ nhân tương lai của đất nước.
23/05/2025 17:07

Tình cảm đặc biệt của Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng

56 năm qua, kể từ Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6/1969), thiếu nhi Việt Nam không còn được Bác Hồ gửi thư chúc mừng nữa, bởi vì Bác đã “đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” (1). Nhưng tấm lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước. Hàng năm, mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ và các ngày lễ lớn của dân tộc, thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn cất cao lời bài hát: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”.

Pre-HCM-15

         Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thiếu niên, nhi đồng

Trong muôn vàn tình thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Nhân dân ta, Người luôn dành tình cảm đặc biệt nhất cho thiếu niên, nhi đồng. Tình yêu của Bác đối với trẻ thơ không đơn giản chỉ là tình cảm thông thường, mà là một tình cảm sâu sắc nhất, một tình yêu bao la bát ngát. Bởi vì, Người luôn coi “Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”, là những người chủ tương lai của đất nước.

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thiếu niên, nhi đồng được thể hiện qua những món quà nhỏ “Bác thương đàn cháu nhỏ, Trung thu gửi cho quà”, qua những vần thơ ca, bài viết, thư gửi các cháu thiếu nhi nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết trung thu, ngày khai trường. Ngày 21/9/1941, tại Pác Bó (Cao Bằng), Bác viết bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” với lời lẽ hết sức giản dị, nói lên nỗi thống khổ của kiếp đời nô lệ, trong đó có trẻ em Việt Nam phải phải chịu nhiều cơ cực nhất: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan/ Chẳng may vận nước gian nan/ Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng/ Học hành giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Để làm tôi tớ người ta bên ngoài" (2).

Thông qua các bài viết, lời thơ gửi thiếu niên, nhi đồng, với lời lẽ ân cần, trìu mến, tình cảm, Người không quên chỉ bảo, căn dặn “từng ly từng tý” đối với các em cần phải ngoan ngoãn vâng lời bố mẹ, thầy cô, siêng năng học tập, đoàn kết, thi đua học tập, lao động, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khoẻ và tiến bộ, có ý chí cố gắng vươn lên trong cuộc sống, thực hành đời sống mới: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”, phấn đấu đưa nước nhà “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, Người luôn nhấn mạnh: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” và “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam luôn cồn cào trong tim Bác. Trong thư gửi các cháu miền Nam năm 1965, Bác ao ước: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”. Người còn luôn nhắc các cháu thiếu nhi các trường miền Nam phải “Yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh... thi đua học tập, thi đua trong mọi việc...”.

Tình yêu thương bao la của Bác Hồ không chỉ dành cho thiếu nhi Việt Nam mà còn dành cho cả thiếu nhi trên toàn thế giới. Đó là lòng nhân ái, tình yêu thương bao la của Người dành cho nhân loại. Ghi nhận tình cảm bao la, vĩ đại của Bác, Tiến sĩ Sử học, nhà báo Nga E.V Cô-bê-lép viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người đã gọi trìu mến là các cháu”.

Quan tâm đến công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng

Nhân dịp Lễ khai giảng đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho ngành giáo dục, trong đó nhấn mạnh vai trò chủ nhân tương lai của đất nước: “... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Tam long cua Bac ho voi thieu nien nhi dong

Bác Hồ chung vui với các em nhỏ trong Ngày Quốc tế thiếu nhi (năm 1969)

Xuất phát từ luận điểm đó, trong suốt cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Ngày 15/5/1961, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Người đã gửi thư cho thiếu niên, nhi đồng cả nước và căn dặn thiếu niên, nhi đồng phải thực hiện nghiêm túc 5 điều sau đây: “1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ 2. Học tập tốt, lao động tốt/ 3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ 4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ 5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” (3). Trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, mỗi người dân đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia, trong đó thiếu niên, nhi đồng cũng phải tham gia với tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tùy theo sức của mình”. Thực hiện lời dạy của Bác, thiếu niên, nhi đồng cả nước đã ra sức thi đua học tập, lao động, tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm, trong thực tiễn đã có biết bao tấm gương thiếu niên, nhi đồng tham gia kháng chiến, anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc tiêu biểu như: Kim Đồng, Vừ A Dính, Phạm Ngọc Đa, Lê Văn Tám,…

Là một nhà giáo dục vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác giáo dục thế hệ trẻ không chỉ ở nội dung mà cả phương pháp dạy học và giáo dục. Khi nói chuyện với lớp cán bộ đào tạo mẫu giáo, Bác nhắc nhở: “...làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ như trồng cây non. Trông cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này cháu trở thành người tốt”. “Trong lúc học cần phải làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học...”.

Là người đầu tiên coi thiếu niên, nhi đồng là “người chủ tương lai” của nước nhà, nên trong quá trình giáo dục cần sớm quan tâm, rèn luyện đạo đức cách mạng để đào tạo ra những người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh: “Cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục; Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà, dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ quốc”. Chính vì vậy, dù bận “trăm công nghìn việc”, nhưng Người vẫn dành nhiều thời gian để yêu thương và chăm sóc cho thế hệ măng non của đất nước, bởi theo Bác, chính thế hệ măng non sẽ là những chủ nhân của đất nước sau này. Chăm sóc, giáo dục thiếu nhi là trách nhiệm lớn lao không chỉ của mỗi gia đình, mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị. Trong bài viết “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực” (4).

Trước lúc đi xa, Người không quên để lại muôn vàn tình yêu thương cho toàn thể dân tộc Việt Nam, trong đó có cả thiếu niên, nhi đồng trong nước và quốc tế: Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế” (5).

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thiếu niên, nhi đồng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật về bảo vệ các quyền trẻ em. Từ các bản Hiến pháp, các Bộ luật; Luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh góp phần bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc. Nhớ ơn Bác Hồ kính yêu, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam xin nguyện cố gắng học tập, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện thể lực và đạo đức, phấn đấu trở thành những con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là “cháu ngoan Bác Hồ”, góp phần xây dựng đất nước “tươi đẹp”, đưa dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác hằng mong muốn.

Vũ Văn Chương

Tài liệu tham khảo:

(1) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tr.27.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập: Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011, tr.240.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập: Tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011, tr.131-132.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập: Tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 579.

(5) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, tr.38.

comment Bình luận