Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội

Sáng 26/7, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục được Quốc hội khoá XV tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước và tiến hành nghi lễ tuyên thệ.
26/07/2021 11:16

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Quốc hội sau đó đã bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín, đồng thời thảo luận để biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Kết quả biểu quyết cho thấy, 483/483 đại biểu tham gia biểu quyết đều đồng ý thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 (đạt 96,79% tổng số đại biểu Quốc hội).

1_zghw

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ tuyên thệ

“Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân  với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nỗ lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ.

Phát biểu sau lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước cam kết tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp, chí công vô tư; trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ cố gắng giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông cũng hứa sẽ lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trí thức trong và ngoài nước; xây dựng lực lượng công an, quân đội, giữ gìn bình an cho nhân dân; giữ vững toàn vẹn lãnh thổ... 

Đẩy lùi dịch bệnh, làm nên mốc son mới 

"Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư với khả năng lây lan mạnh bởi biến thể Delta, tôi xin bày tỏ niềm tin vào sức mạnh Diên Hồng của dân tộc ta, sức mạnh đoàn kết vô địch của nhân dân ta, niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ về một Việt Nam quyết thắng trong đẩy lùi, kiểm soát đại dịch Covid-19 để Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới, như Bác Hồ đã dạy là đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công", Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ lòng biết ơn lực lượng y tế, vũ trang, từ các cấp T.Ư đến địa phương ngày đêm tận tuỵ, hy sinh, cảm ơn sự ủng hộ nhiệt thành quý báu của toàn thể nhân dân. Đặc biệt,  bày tỏ niềm tự hào sâu sắc về sự nhân ái, kiên cường, lạc quan đoàn kết, vượt khó với truyền thống con rồng cháu tiên, bầu ơi thương lấy bí cùng. 

Trước đó, tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khoá XIV, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước. Ông Phúc là Chủ tịch nước thứ 3 được bầu trong nhiệm kỳ này.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954 (67 tuổi), quê tại xã Quế Phú, H.Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, trình độ cử nhân kinh tế. Ông Phúc là ủy viên T.Ư Đảng các khóa X, XI, XII, XIII; là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII.

Từ năm 1966, ông Nguyễn Xuân Phúc lên Chiến khu cách mạng, sau đó được Đảng đưa ra miền Bắc đào tạo. Từ năm 1968, ông học phổ thông rồi học đại học tại Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1982. Kể từ khi tham gia T.Ư vào năm 2006, ông giữ các cương vị: Phó tổng Thanh tra Chính phủ; Phó chủ nhiệm, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó thủ tướng (từ năm 2011); và Thủ tướng Chính phủ (từ năm 2016).

Tại Đại hội XIII, ông Phúc cùng ông Nguyễn Phú Trọng là 2 "trường hợp đặc biệt" (quá tuổi quy định) Ủy viên Bộ Chính trị tái cử. Trên cương vị Thủ tướng, ông Phúc được đánh giá là người có phong cách bình dân, gần gũi, quyết liệt trong chỉ đạo và năng động với “570 chuyến công tác lên rừng, xuống biển “ (như trong báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ do ông trình bày trước Quốc hội). Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội kỳ họp 11 về dấu ấn nổi bật nhất về Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 mà ông là người đứng đầu, ông Phúc nói: "Dấu ấn nổi bật nhất là một Chính phủ vì dân".

Gia Hân

comment Bình luận

largeer