Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX có sự tham dự của 1.091 đại biểu gồm: Chư tôn đức hòa thượng thành viên Hội đồng Chứng minh; hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, đại đức tăng, ni, cư sĩ, phật tử thành viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại biểu các ban, viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trong cả nước và đại biểu tăng ni, phật tử, Hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
Trong không khí trang nghiêm, đoàn kết, tuyên đọc diễn văn khai mạc Đại hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ, nhiệm kỳ vừa qua, toàn thể tăng ni, phật tử trong Giáo hội đã hòa hợp, nỗ lực, cố gắng vượt bậc đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng; tăng sự trang nghiêm, tăng ni đoàn kết.
Diễn văn của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự kêu gọi: Với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội để vững bước trong sự nghiệp chung chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng đất nước hướng đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội IX - sự kiện trọng đại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được biết trong nhiệm kỳ vừa qua, phát huy truyền thống vẻ vang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các tăng ni đã tích cực hưởng ứng, vận động phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp chính quyền, MTTQ và đoàn thể phát động như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh... với nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu.
Phát huy tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha trong nhà Phật, Giáo hội các cấp và tăng ni, phật tử tích cực tham gia công tác xã hội hoá các hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo… với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Đã tham gia ủng hộ trên 7.000 tỷ đồng cho người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hưởng ứng lời kêu gọi "chống dịch như chống giặc" của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động và sinh hoạt tôn giáo; hàng nghìn tăng, ni, phật tử đã tình nguyện xung phong vào tuyến đầu phòng, chống dịch; ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ vaccine, hỗ trợ mua trang thiết bị y tế, trao tặng hàng chục triệu phần quà và suất ăn miễn phí...
"Những hành động cao đẹp, đầy tình nhân ái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng ni, phật tử thực sự đã làm lay động trái tim hàng triệu đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn dân phòng, chống dịch bệnh", Chủ tịch nước nói.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tốt đẹp, những đóng góp quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 vào thành tựu chung của đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần ngăn chặc các tệ nạn xã hội" và "Phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước".
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, thực hiện bình đẳng giữa các tôn giáo; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, đúng Hiến chương và điều lệ của các tôn giáo được Nhà nước công nhận. Qua đó, giữ gìn, phát huy phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước, không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo, chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, thống nhất ý chí và hành động của toàn thể Giáo hội để quyết tâm thực hiện thành công 12 mục tiêu tổng quát về hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ 2022-2027 đã đề ra. Xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang nghiêm, vững mạnh, phát triển; suy tôn, suy cử các quý vị lãnh đạo trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự là những người tiêu biểu về đạo hạnh và năng lực, đại diện cho các hệ phái, vùng miền, xứng đáng là "thạch trụ tùng lâm". Thống nhất tu chỉnh Hiến chương phù hợp và đáp ứng yêu cầu hoạt động của Giáo hội trong giai đoạn mới, tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, khẳng định vị thế của tổ chức Phật giáo duy nhất ở Việt Nam đại diện cho tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước, làm cơ sở để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp "Hộ quốc an dân" của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn, với tôn chỉ, mục đích cao cả của Phật giáo, với đường hướng hành đạo "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", trong nhiệm kỳ mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo, tập hợp đoàn kết tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy những truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, góp phần tích cực vào đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng MTTQ Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo; hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trong cả nước.
Tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các ban, bộ, ngành đã trao Huân chương Lao động, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều phần thưởng khác tặng các tập thể ban, viện Trung ương, Ban Trị sự và cá nhân tăng ni, cư sĩ phật tử thành viên Giáo hội có thành tích đặc biệt đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Theo Ban Tổ chức, một trong những trọng tâm của Đại hội lần này đó là việc tu chỉnh Hiến chương, nêu cao kỷ cương, giới luật để gìn giữ và tiếp tục đề cao giá trị Phật giáo trong xã hội hiện đại. Trong đó có nội dung xác định tài sản chung và tài sản cá nhân cũng như quy định rõ hơn về việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa, không cấp cho nhà tu hành. Trong số 12 mục tiêu chương trình tổng quát trong nhiệm kỳ mới (2022-2027) được thảo luận tại Đại hội, nhiệm vụ "Nêu cao kỷ cương, giới luật" được đặt lên hàng đầu.
Đặc biệt, Đại hội IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh; suy cử Chủ tịch và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027; nghi thức tấn phong Giáo phẩm tại Đại hội.
Trước Lễ khai mạc, sáng 28/11, tại Chùa Quán Sứ, Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử hành Lễ cầu nguyện do Đức Quyền Pháp chủ và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự chủ lễ.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022 - 2027 là sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với hoạt động của các tôn giáo có đường hướng hành đạo tích cực, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Theo Báo Chính phủ
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm