Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Dân y Khu 5

Sáng ngày 23/7, tại TP. Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Dân y Khu 5 vì những thành tích đặc biệt trong kháng chiến.
23/07/2022 15:08

Cuối năm 1946, để chuẩn bị kháng chiến lâu dài, Đảng ta chủ trương điều động những thầy thuốc giỏi vào bổ sung cho chiến trường và thành lập Ban Quân-dân y Khu 5. Thực hiện sứ mệnh lịch sử, những người thầy thuốc Ban Quân-dân y Khu 5 vừa tận tâm, tận lực thực hiện sứ mệnh cứu người, vừa dũng cảm cầm súng chiến đấu bảo vệ thương binh, đồng đội, nhân dân.

Khi đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, các trận đánh lớn của ta liên tục nổ ra trên khắp các chiến trường, gây cho chúng rất nhiều thương vong, tổn thất. Giữa bom rơi đạn nổ, vật tư trang bị khan hiếm, số thương binh, bệnh binh ngày một tăng thêm. Để bảo đảm an toàn, các bệnh xá đều được xây dựng tại các khu vực bí mật, có hệ thống công sự, hầm hào, đủ khả năng cho thương binh, bệnh binh trú ẩn.

Empty

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Danh hiệu cho Ban Dân y Khu 5 (Ảnh: VGP/Minh Trang)

Số giường bệnh của các bệnh xá cũng tăng từ 30, 40 giường lên 100, 150 giường. Mỗi tỉnh đều có 2-3 bệnh xá, riêng Quảng Ngãi, Bình Định có đến 5 bệnh xá. Trong hầm tối, giữa rừng sâu, những ca mổ "sống", những lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cấp tốc theo phương châm "cần gì học nấy", "thà yếu hơn thiếu" vẫn lần lượt được tổ chức, kịp thời bổ sung cho chiến trường hàng trăm y tá, dược sĩ có chuyên môn, trình độ tốt.

Theo yêu cầu, nhiệm vụ của Cách mạng, tháng 5/1962, Ban Quân-dân y Khu 5 tách thành hai hệ thống: Ban Dân y Khu 5 và Ban Quân y Khu 5. Tuy tách rời song các lực lượng vẫn thường xuyên gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cả về nhân lực và vật lực để cùng chữa bệnh, cứu người và nghiên cứu, pha chế, sản xuất các loại dược liệu, vật tư y tế... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong cuộc trường chinh vĩ đại chống đế quốc, thực dân, đã có hàng nghìn tấm gương thầy thuốc anh dũng chiến đấu, hy sinh hoặc bị thương, bị địch bắt, tù đày, tra tấn dã man, song họ luôn giữ vững khí tiết cách mạng. Gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước im tiếng súng, tấm gương dũng cảm, hy sinh của hàng nghìn liệt sĩ là các thầy thuốc, nhân viên y tế của Khu 5... vẫn được mọi người nhắc đến với tất cả sự kính trọng, tiếc thương.

Đầu năm 1976, Ban Dân y Khu 5 chính thức giải thể. Trở về cuộc sống đời thường, có người phục viên, chuyển ngành, có người tiếp tục gắn bó với nghề y, trở thành thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân, giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành, giám đốc các công ty, doanh nghiệp, cơ quan... 

Empty

Các cán bộ đại diện Ban Dân y Khu 5 vinh dự đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (Ảnh: VGP/Minh Trang)

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 29/4/2021, Ban Dân y Khu 5 vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành của Ban Dân y Khu 5 đã lan tỏa nhiều tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong chữa trị và trong nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất được các loại vaccine chống dịch bệnh, các loại thuốc và trang thiết bị cung cấp cho y tế, nhiều cá nhân đã được Đảng và Nhà nước vinh danh bằng các danh hiệu tôn vinh cao quý khác nhau. Những cái tên đã đi vào lịch sử như Bác sĩ Trần Dzū, Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên, Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Kỹ sư Vũ Đức Minh,... vẫn được mọi người nhắc đến với lòng yêu mến và nể trọng, để lại niềm cảm hứng lớn lao cho các thế hệ sau, nhất là đội ngũ bác sĩ, thầy thuốc trẻ".

"Hôm nay chúng ta ngồi đây, cùng ôn lại lịch sử hào hùng, vẻ vang của Ban Dân y Khu 5 và dự lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Ban Dân y Khu 5, là minh chứng cho sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những thành tích đặc biệt xuất sắc mà các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và thầy thuốc Ban Dân y Khu 5 đã đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét việc đầu tư, tôn tạo, nâng cấp khu Di tích Ban Dân y Khu 5 để nơi đây trở thành địa chỉ truyền thống của cách mạng và của ngành y, góp phần giáo dục lịch sử, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ ngành y nói riêng.

Empty

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Ban Dân y Khu 5 (Ảnh: VGP/Minh Trang)

Chủ tịch nước đề nghị các địa phương tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và thầy thuốc Ban Dân y Khu 5, bởi hiện nay số lượng các đồng chí trong Ban Dân y không còn nhiều và đều đã cao tuổi, tránh việc để các đồng chí gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ y tế tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình quân dân y kết hợp, nhất là địa bàn vùng sâu vùng xa cần tăng cường lực lượng quân y đóng quân tại đây để hỗ trợ khám chữa bệnh và điều trị cho người dân, phù hợp với điều kiện và tình hình của địa phương.

Theo Báo Chính phủ

comment Bình luận

largeer