Chung cư và không ít những vấn nạn đau lòng

Kiến trúc cao tầng đang là xu hướng phát triển tất yếu ở các nước đang phát triển, trước sức ép về dân số, cũng như yêu cầu tập trung dịch vụ. Do vậy, việc mọc những khối nhà chung cư một cách ồ ạt trong những năm gần đây được xem như là một làn sóng kiến trúc cao tầng mới. Tuy vậy, đô thị như là một cơ thể sống vô cùng phức tạp và đa chiều.
25/06/2021 12:12

Vào bất cứ thời điểm nào cũng có nhiều vấn nạn đang diễn ra, ngay cả khi nó đạt đến sự thịnh vượng. Đối với chung cư cao tầng như hiện nay, bên cạnh những ưu điểm tích cực, cũng có không ít những vấn nạn đau lòng, thương tâm đã xảy ra trong thời gian qua là hồi chuông đáng báo động, đáng quan ngại. Bởi lẽ, việc ở nhà tầng cao rất khác với nhà ở đơn lẻ trên mặt đất, mà vấn đề an toàn là một trong những vấn đề cốt yếu, rất nhiều thứ cần phải nhìn lại và tìm “lối thoát”.

Trong những năm qua, các thành phố trong cả nước đã thực sự khởi sắc nhờ kiến trúc cao tầng, giai đoạn đầu chủ yếu do nước ngoài đầu tư. Giới thiết kế kiến trúc quy hoạch và kinh doanh địa ốc nước ta cũng đã tiếp thu khá nhanh kinh nghiệm xây dựng thể loại kiến trúc này sau một thời gian dài chạy theo phân lô xây nhà ống. Từ đó, số lượng người chọn chung cư, để an cư đang ngày càng gia tăng tại các trung tâm đô thị lớn.

Đặc điểm của căn hộ chung cư là một đơn vị ở khép kín, diện tích của nó không lớn, chỉ đủ đáp ứng với nhu cầu ở, tái tạo sức khỏe, tâm sinh lý, còn tất thảy các chức năng khác, như giáo dục hướng nghiệp, vui chơi giải trí, quan hệ xã hội, kết nối cộng đồng được chuyển ra khỏi căn hộ. Việt Nam phát sinh ra rất nhiều phiền toái do chưa thích hợp được với lối sống của người dân.

Ẩn họa từ những chung cư cao tầng

Theo PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa, hiện nay, chung cư bình dân rất ồn ào, lộn xộn và khổ sở. Do căn hộ chung cư không chỉ là để ở, mà còn là nơi sản xuất, trao đổi hàng hóa, mua bán thương mại và sinh hoạt gia đình, trong khi căn hộ nhỏ, mọi người lại sống vô tư như: Chuyện ném rác, đổ nước từ trên xuống, đốt vàng mã, chiếm hành lang mở quán bán cà phê, chiếml llối thoát hiểm làm nơi chứa đồ, chẻ củi trên sàn nhà, tụ tập hát karaoke, sử dụng thang máy làm trò giải trí, vô tình làm cho chung cư vô cùng nhếch nhác, lộn xộn. Hơn thế, các cuộc cãi vã với hàng xóm thường diễn ra liên miên, ảnh hưởng đến môi trường (tiếng ồn) nơi đô thị.

picture2

Một vấn nạn khác, ngày đêm đang rình rập đến tính mạng của cư dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đó là sự không an toàn ở các lan can, ban công không rào chắn, ống thông gió không bịt, cửa sổ không chấn song,... là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn tới tai nạn ngã từ trên cao ở những khu chung cư cao tầng.

Thời gian gần đây, nhiều câu chuyện đau lòng, những trường hợp thương tâm, đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến những tai nạn ngã từ trên cao tại các khu chung cư, khiến dư luận không khỏi bất an, lo lắng. Các vụ tai nạn này thường là trẻ em ở độ tuổi còn nhỏ, rất hiếu động, chưa biết môi trường sống chung quanh, dễ rơi ngã khỏi ban công, cửa sổ (do chưa kịp làm che chắn, hoặc làm không đúng quy cách) khi không có người lớn trông coi, quên lãng,…

Đã không ít nhà nghiên cứu đô thị, kiến trúc sư tìm ra nhiều nguyên dẫn đến những hiện tượng mất an toàn tại các khu chung cư như: Sự bất cập trong quy hoạch tổng thể và thiết kế kiến trúc. Nhiều thiết kế chạy theo hình thức, hào nhoáng bề ngoài, mà xem thường, hoặc bỏ qua những quy phạm thiết kế an toàn và tiện nghi cho người sử dụng, hoặc chưa có những nghiên cứu thấu đáo về mặt xã hội học, để phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau.

Hay có những vấn đề đang xung đột về mặt pháp lý và thực tiễn làm thay đổi chức năng của chung cư trong sinh hoạt đời sống. Nguyên nhân phổ biến nhất là mất an toàn là do chất lượng thi công, nhiều toà chung cư sau khi được sử dụng chưa lâu đã phát đủ thứ “bệnh”: Tường nhà bong tróc, nền móng sụt lún, tường nứt, sàn vệ sinh ngấm nước, cửa gỗ cong vênh, điện chập cháy… Tất cả những điều này đều gây mất an toàn cho đời sống và gây ức chế không nhỏ về tâm lý cho cư dân chung cư. Hơn nữa, việc sửa chữa thường rất phức tạp và mất thời gian do có những phần chung, hoặc liên quan đến nhau, khó bề giải quyết.

Ngoài hai nguyên nhân thiết kế và thi công gây mất an toàn như trên, thì việc quản lý chung cư yếu kém và ý thức của người dân cũng là nguyên nhân thiết yếu trong việc gây mất an toàn, an ninh của chung cư. Ở chung cư cao tầng trong đô thị khác hẳn ở nhà phố hay ở làng xã, đòi hỏi người dân phải có kiến thức và ý thức rất cao. Sống ở chung cư cao tầng trong đô thị là môi trường sống hiện đại, có những đặc thù xã hội rất riêng mà dường như ở Việt Nam người dân vẫn còn đang tiếp cận với nhiều sự lạ lẫm, mới mẻ. Để môi trường sống ở chung cư thực sự an toàn vẫn là câu chuyện dài chưa kết thúc, khi mà tốc độ xây dựng loại hình công trình này đang phát triển rầm rộ ở các đô thị lớn.

Hãy giữ bình yên nơi ta sống

Cho dù bất cứ thành phố nào trên thế giới, hiện đại thịnh vượng, ít nhiều cũng có những vấn nạn nhất định từ những chuyện phân hóa giàu nghèo, hôn nhân gia đình, quan hệ xóm giềng, di dân, môi trường,… Nhưng cho dù vậy, thì các thành phố vẫn tồn tại và chuyển động, vẫn phải phấn đấu, tìm giải pháp khắc phục để ít vấn nạn hơn.

Cần tìm ra những phương án khắc phục, mang lại những niềm vui hơn, góp phần cho cuộc sống chung cư lành mạnh hơn, an toàn hơn. Cần hướng đến bộ tiêu chuẩn xây dựng kiến trúc hiện đại tiêu chuẩn thế giới, đặc biệt trong kiến trúc và quản lý kiến trúc cao tầng; Hoàn thiện Luật lệ xây dựng, quy định, quy hoạch, tiêu chuẩn về kiến trúc cao tầng, đặc biệt phù phù hợp với điều kiện, đặc trưng môi trường nước ta; Kiểm tra đúng mực với quy định thi công thiết kế, xử lý nghiêm những tình huống vi phạm quy định trong thiết kế và thi công ở nhà chung cư. Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng văn hóa mang sắc thái Việt nơi chung cư, hình thành ý thức người dân ngày một tốt hơn.

Thế giới ngày nay nhiều bất an luôn rình rập (khủng bố, cháy nổ, người di cư ồ ạt, dịch bệnh tràn lan, tai nạn giao thông, ô nhiễm,..) uy hiếp đến cuộc sống con người. Hơn lúc nào hết, nhân loại cần sự bình yên, trước hết là nhận thức và hành động của mỗi người chúng ta. Như vậy, mới có thể góp phần cho đô thị Việt Nam được văn minh, hiện đại và giàu bản sắc trong quá trình hội nhập.

Ngoài những giải pháp mang tính dài hạn, những gia đình có trẻ nhỏ ở các căn hộ chung cư cần hãy lưu tâm, quan tâm nhiều hơn đến trẻ:

Đừng bao giờ để trẻ em một mình trong nhà. Theo tiến sĩ Carol Balhetchet – Giám đốc cấp cao tại Hiệp hội Trẻ em Singapore khuyên ta không nên để trẻ một mình trong nhà. Dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn cũng đủ tiềm ẩn vô vàn rủi ro, bởi lẽ “chỉ trong vài giây, một đứa trẻ 3 tuổi có thể làm đủ việc, vì chúng đang nhìn thế giới với con mắt đầy sự tò mò”.

Nếu có người giữ trẻ, hãy dặn dò họ một cách kỹ lưỡng. Trong các báo cáo về tai nạn của trẻ em tại các chung cư cao tầng. Ngoại trừ những trường hợp bị cha mẹ bỏ lại một mình, các em thường gặp nguy hiểm khi bảo mẫu lơ là công việc. Chính vì thế, dặn dò người trông nom trẻ không bao giờ là thừa thãi.

Hãy thường xuyên trò chuyện và giáo dục với trẻ. Khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, bố mẹ hãy trò chuyện và giáo dục con đúng cách. Nhắc trẻ không leo trèo lan can, chạy nhảy ở những nơi nguy hiểm. Phụ huynh cũng nên dạy con biết về những biển báo nguy hiểm. Để con tham gia các buổi học kĩ năng sống dành cho gia đình sống tại chung cư cao tầng.

Lắp đặt lưới an toàn ở ban công, cửa sổ. Việc lắp đặt lưới an toàn tại ban công cũng là cách gia đình tận dụng không gian để trồng các loại cây hoa dây leo, mang lại không gian xanh cho gia đình.

Ngoài ra, để an toàn cho trẻ, cha mẹ không đặt những vật có thể tạo điều kiện cho trẻ trèo lên cao ở ban công (ghế, thang xếp, xô, chậu,..); Hãy tạo thói quen khoá cửa sổ và cửa ra vào ban công khi bạn không có ở nhà.

 

Nguyễn Hiếu Tín

comment Bình luận

largeer