Chủng Delta vẫn đeo bám Ấn Độ

Ca COVID-19 giảm mạnh sau đợt bùng phát thảm khốc khiến người Ấn Độ tự tin vào cuộc sống bình thường mới, nhưng chủng Delta vẫn âm thầm lây lan.
06/08/2021 18:31

Tuần này, các nhà nghiên cứu cho biết lần đầu tiên kể từ tháng 5, hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) tại một số bang của Ấn Độ đã tăng trở lại lên mức 1, tức là trung bình 10 ca nhiễm sẽ lây cho 10 người khác, hoặc lớn hơn 1. Điều này cho thấy tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ có nguy cơ leo thang trở lại.

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Ấn Độ gần đây có khi lên tới hơn 40.000, với tâm dịch là Kerala, bang ở phía nam từng được toàn cầu ca ngợi nhờ xử lý tốt đại dịch trong làn sóng đầu tiên vào năm ngoái. Bang này chiếm gần một nửa trong khoảng 30.000 ca nhiễm mới tại Ấn Độ hôm 3/8.

Các bang lân cận là Karnataka và Tamil Nadu đã yêu cầu những người đến từ Kerala phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 tại các trạm kiểm soát giữa các bang. Tình hình khu vực phía đông bắc cũng đáng lo ngại, khi ít nhất 6 bang tại đây đang ghi nhận tỷ lệ dương tính trong các xét nghiệm COVID-19 là hơn 10%.

Theo bình luận viên Niha Masih và Gerry Shih của Washington Post, diễn biến này cho thấy những thách thức mà các nhà khoa học và giới chức Ấn Độ đối mặt trong nỗ lực kiềm chế biến chủng Delta, lần đầu tiên xuất hiện tại nước này vào tháng 10/2020, ngay cả khi 2/3 dân số Ấn Độ dường như đã có kháng thể, theo nghiên cứu do Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ công bố tháng trước.

3

Người dân xếp hàng tiêm vaccine COVID-19 tại một khu dân cư ở thành phố Mumbai, Ấn Độ, hôm 2/8. Ảnh: AFP.

So với mức đỉnh hơn 414.000 ca một ngày hai tháng trước, số ca nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ đã giảm mạnh. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân xuất phát từ việc người dân phải ở nhà, hoạt động kinh doanh tạm dừng giữa làn sóng COVID-19 thứ hai thảm khốc. Vài người khác cho rằng sự sụt giảm là do phần lớn dân số Ấn Độ đã đạt mức độ miễn dịch nhất định.

Bất kể lý do là gì, thực tế cho thấy biến chủng Delta vẫn đeo bám Ấn Độ. Theo báo cáo giám sát về gene tại nước này được công bố tháng trước, Delta "vẫn là chủng trội trong số các ca nhiễm mới". Hồi tháng 5, khi đại dịch đang ở cao điểm, chủng virus này chiếm tới gần 90% ca nhiễm.

Tại những nơi khác trên thế giới, biến chủng Delta cũng là vấn đề nan giải. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo "đây là một trong những loại virus dễ lây lan nhất mà con người từng biết đến, giống như sởi, thủy đậu", và nên được coi gần như là một loại virus mới.

"Delta khác với những chủng virus trước. Tôi biết đây là những tin tức đáng thất vọng. Tôi cũng cảm thấy vậy", giám đốc CDC Rochelle Walensky phát biểu hôm 2/8.

Nỗi lo ngại về biến chủng Delta càng gia tăng khi nhìn vào chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ. Tính đến ngày 3/8, nước này đã tiêm được 476 triệu liều vaccine, nhưng mới chỉ 105 triệu người trong tổng số gần 1,4 tỷ dân được tiêm đầy đủ, chiếm chưa đến 10%. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vốn đã kéo dài nhiều tháng được cho là sẽ tiếp tục gây tổn hại nỗ lực triển khai vaccine của Ấn Độ.

Trong khi đó, một kết quả nghiên cứu tại Anh cho thấy nếu chỉ tiêm một liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca, mức độ hiệu quả trước biến chủng Delta thấp hơn nhiều so với các chủng khác. Đây dường như là nguyên nhân thúc đẩy Anh, quốc gia từng theo đuổi chiến lược kéo dài thời gian giữa hai liều vaccine, phải tăng tốc tiêm liều hai.

Senthil Karuppiah, người phụ trách ứng phó COVID-19 tại Bệnh viện Rajaji ở thành phố Madurai, bang Tamil Nadu, cho biết bệnh viện của ông từng tiêm hàng nghìn liều vaccine COVID-19 vào giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, nhưng việc liên tục thiếu hụt nguồn cung khiến con số giảm xuống quá thấp, chỉ còn 500-800 liều/ngày.

"Đây là tình huống khẩn cấp. Chúng tôi có thể tiêm cho toàn bộ các bang miền nam trong vòng hai tháng nếu có vaccine", Karuppiah nói.

Thứ trưởng Y tế Ấn Độ Bharati Pawar gần đây cho biết "năng lực sản xuất ước tính" đối với hai loại vaccine COVID-19 nội địa là 147,5 triệu liều mỗi tháng, thấp hơn nhiều so với số lượng cần thiết để đạt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành vào cuối năm.

Các bình luận viên của Washington Post cho rằng cuộc chiến với biến chủng Delta tại Ấn Độ sẽ mang lại bài học cho những nước khác vốn cũng đang chật vật vì chủng virus dai dẳng này. Một trong những bài học được rút ra là tình trạng lây nhiễm ở trẻ em dường như không quá nghiêm trọng.

Rajendra Bhosale, quan chức tại bang Maharashtra, cho biết gần 9.000 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trong tháng 5 là trẻ em, tương đương 10% tổng số ca, nhưng phần lớn không có triệu chứng. Tại bang Karnataka, nhóm dưới 20 tuổi chiếm gần 12% số ca nhiễm trong 5 tháng qua, tăng nhẹ so với trước đó và rất ít trường hợp tử vong, theo phân tích của nhóm xử lý dữ liệu COVID-19 tại bang này.

Đây dường như là nguyên nhân thúc đẩy các cuộc thảo luận tại Ấn Độ về việc có nên tái mở cửa trường tiểu học đã bị đóng cửa hơn 15 tháng qua hay không. Bang Punjab đã nối lại các lớp học trực tiếp cho mọi nhóm tuổi vào tuần này.

Tuy nhiên, Giridhar Babu, nhà dịch tễ học thuộc Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ tại thành phố Bangalore, cảnh báo họ "sẽ phải sống chung với chủng virus này dù muốn hay không". "Virus sẽ tìm cách tồn tại cùng chúng ta. Tiêm chủng là chiến lược thoát đại dịch duy nhất", Babu nhận định.

Trong khi đó, Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Đại học Brown của Mỹ, cho rằng rất khó dự đoán thời điểm và cách thức làn sóng đại dịch tiếp theo tấn công Ấn Độ. Biến chủng Delta được cho là lây nhiễm dễ dàng đến mức chỉ có thể ngăn chặn đợt bùng phát mới nếu 80-90% dân số được tiêm chủng, Jha ước tính, nói thêm rằng hàng trăm triệu người Ấn Độ vẫn chưa được tiêm.

"Phần lớn Ấn Độ vẫn dễ bị tổn thương. Đó là điều khiến tôi trăn trở hàng đêm khi nghĩ về những tuần và tháng tới", Jha cho hay.

(Theo Vnexpress)

comment Bình luận

largeer