Chuyên gia: Nguy cơ thêm biến chủng nCoV nguy hiểm

Các chuyên gia cảnh báo biến chủng mới nguy cơ là "vấn đề đặc trưng" ở nhóm nước thu nhập thấp và không đủ vaccine Covid-19.
12/05/2021 13:49

 Nhân loại từng bị kéo về cùng một vạch xuất phát khi nCoV bắt đầu hoành hành. Vì chưa nước nào nghiên cứu được vaccine, tất cả phải chọn can thiệp "phi dược học" như giãn cách xã hội, phong toả để đối phó Covid-19, bất kể đó là nước giàu hay nước nghèo.

"Giờ đây, khi những nước thu nhập cao hoặc nắm nguồn vaccine như Trung Quốc đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, giai đoạn tiếp theo của đại dịch sẽ tồn tại khác biệt rất lớn giữa nơi có và không có vaccine", David Filder, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) tại Mỹ 

An-Do-5813-1620721193

Người lao động ngoại tỉnh tại Chennai, Ấn Độ, lũ lượt kéo về quê sau lệnh phong tỏa vào ngày 10/5. Ảnh: AFP.

Bức tranh đại dịch hiện được chia nửa gồm những nước đủ vaccine để khống chế dịch và phần còn lại là những nước thiếu nguồn lực lẫn vaccine đang bị động trước biến chủng mới. Tại Anh và Mỹ, nơi chương trình chủng ngừa Covid-19 diễn ra nhanh chóng trên quy mô lớn, lây nhiễm trong cộng đồng giảm dần và người dân có thể tự tin trở lại cuộc sống bình thường. Cục Thực phẩm và Thuốc Mỹ (FDA) vừa qua còn cấp phép sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi, giúp mở rộng quy mô chủng ngừa trên toàn quốc.

Tình hình ở Ấn Độ hoàn toàn trái ngược. Làn sóng Covid-19 thứ hai với sự xuất hiện của biến chủng B.1.617 đã khiến hệ thống y tế thất thủ chỉ vài tháng sau khi mở cửa trở lại. Tính từ khi dịch mới bùng phát, quốc gia Nam Á ghi nhận hơn 23 triệu người nhiễm và hơn 250.000 người tử vong.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 10/5 lưu ý số ca nhiễm lẫn số ca tử vong đang tăng nhanh ở Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan và Campuchia. Malaysia cũng thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 10/5, hai ngày sau khi ca nhiễm trong một ngày đạt mức cao nhất kể từ tháng 1.

Điểm chung của những nước này là thiếu khả năng tiếp cận vaccine và từng chống dịch phần nào hiệu quả trong năm 2020 bằng các biện pháp phong tỏa. Giới khoa học cảnh báo nếu dịch bệnh không được kiểm soát và lan rộng ở những nơi thiếu vaccine, virus sẽ tiếp tục tiến hóa thêm thành những biến chủng nguy hiểm và đe dọa toàn cầu.

"Nhiều quốc gia đang đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan vô cùng nguy hiểm. Biến chủng mới xuất hiện khi họ không thể khống chế và cắt đứt chuỗi lây bệnh. Nước không đủ vaccine phải dùng biện pháp can thiệp 'phi dược học' như phong tỏa, chấp nhận thiệt hại kinh tế và xã hội", theo Fidler.

Ông cho rằng "phương pháp này thiếu bền vững và khó kéo dài đủ lâu để cắt đứt chuỗi lây bệnh. Đại dịch chưa kết thúc thì họ lại nới lỏng, để lỗ hổng cho chủng virus gốc lẫn biến chủng bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng".

mil

 

Điểm tiêm ngừa Covid-19 bằng vaccine của Pfizer-BioNTech tại bang Connecticut, Mỹ vào tháng 4. Ảnh: AP.

Nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding, thành viên cấp cao tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) và cựu chuyên gia tại Trường Y Havard, lưu ý các biến chủng của nCoV tác động đến khả năng kiểm soát dịch bệnh theo nhiều cách, tùy vào tính chất đột biến.

Biến chủng có thể truyền nhiễm nhanh hơn, gây bệnh nặng hơn, rủi ro tái nhiễm cao hơn và ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine, hoặc khó phát hiện hơn dù xét nghiệm PCR. Trong trường hợp của biến chủng B.1.1.7 từ Anh, đột biến còn tăng thời gian lây nhiễm hoặc ảnh hưởng nhiều hơn lên trẻ em.

"Chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về biến chủng tại Ấn Độ lẫn các dòng phụ của nó. Tồn tại rủi ro rằng virus âm thầm xâm nhập bất chấp cách ly ở biên giới vì chúng ủ bệnh lâu hơn hoặc giai đoạn người bệnh có khả năng lây nhiễm kéo dài hơn trước", ông cảnh báo.

WHO vào ngày 10/5 xếp loại B.1.617 là "biến chủng đáng lo ngại". Danh sách trước đó đã điền tên B.1.1.7, được phát hiện đầu tiên tại Anh, và P.1 từ Brazil. Những biến chủng này nhìn chung chưa gây quá nhiều khó khăn cho các vaccine đã được đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Tedros lưu ý những nước thu nhập thấp dù chiếm đến 47% dân số thế giới đang tiếp cận chỉ 17% sản lượng vaccine. Ông cho rằng sự bất bình đẳng toàn cầu chính là một trong những rủi ro lớn nhất trên con đường chấm dứt đại dịch.

mikl

Điểm tiêm ngừa Covid-19 bằng vaccine của Pfizer-BioNTech tại bang Connecticut, Mỹ vào tháng 4. Ảnh: AP.

 

Theo Filder dự đoán, biến chủng mới sẽ trở thành "vấn đề đặc trưng của nhóm quốc gia thu nhập thấp và thiếu vaccine". Trong khi đó, với những nước đang nắm giữ nhiều vaccine, biến chủng nCoV có thể là yếu tố "thay đổi cục diện" nếu xuất hiện đột biến làm giảm hiệu quả tiêm ngừa. Mối lo ngại này dẫn đến tư duy tích trữ vaccine để tiêm chủng toàn dân càng nhanh càng tốt ở nhóm nước giàu, giảm khả năng họ chia sẻ đến những nơi đang bị đe dọa bởi biến chủng mới.

Thế giới sẽ luôn phải đối mặt mối đe dọa từ đại dịch. Mọi nước cần sẵn sàng sử dụng "mọi công cụ trong phạm vi quyền lực quốc gia để ứng phó", không phải lúc nào "cũng có thể trông chờ vào 'đoàn kết toàn cầu' để được bảo vệ và khắc phục hậu quả", theo chuyên gia người Mỹ.

"Chúng ta sẽ thấy thêm nhiều biến chủng mới khác, gây nên những vấn đề nghiêm trọng đối với nước nào không tiếp cận được vaccine. Với khả năng lây nhiễm cao hơn, biến chủng mới sẽ vượt khỏi khỏi ranh giới quốc gia bùng phát ban đầu. Đây là thách thức nghiêm trọng với hệ thống y tế công và hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt với những nước đã mệt mỏi vì đóng cửa ứng phó các đợt bùng phát đầu tiên", ông cảnh báo.

Long Vũ (Theo vnexpress)

comment Bình luận

largeer