Chuyên gia tiêm chủng nói về phản ứng bất lợi sau tiêm vắc xin COVID-19

Trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19 ở An Giang được xác định là vô cùng hiếm gặp. Nhưng nỗi buồn nào cũng không vô ích, nếu hiểu đúng và hành động đúng.
08/05/2021 16:52

 Chuyên gia về tiêm chủng – TS.BS. Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc đã trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe& Đời sống về vấn đề lợi ích của tiêm vắc xin vẫn cao hơn nhiều lần so với rủi ro…

pham-quang-thai

TS.BS. Phạm Quang Thái.

PV: Nhiều người lo ngại về những phản ứng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, theo TS, sự e ngại đó có căn cứ không và vì sao?

TS.BS. Phạm Quang Thái: Bất cứ vắc xin nào, không nói riêng vắc xin phòng COVID-19 đều có những tỉ lệ phản ứng bất lợi. Điều này cũng đúng cho các loại thuốc, dược phẩm và thậm chí là thực phẩm. Tuy nhiên, nhưng phản ứng bất lợi này ở tỉ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn. Không nên vì quá lo ngại mà bỏ qua một vũ khí lợi hại bảo vệ chúng ta trước bệnh COVID-19.

PV- Theo TS. việc trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19 vì lo sợ phản ứng sau tiêm ảnh hưởng thế nào tới công tác phòng chống dịch COVID-19?

TS.BS. Phạm Quang Thái:  Ngay tại Mỹ, một quốc gia có thế mạnh trong tiếp cận với các công nghệ vắc xin thì vẫn có các trường hợp tử vong sau tiêm và phong trào phản đối vắc xin hoạt động tự do. Chính bởi vậy nên có một tỉ lệ khá cao người dân Mỹ không đồng ý tiêm chủng và vì thế dù lượng vắc xin dồi dào, tỉ lệ tiêm chủng đạt không cao và dịch vẫn không dừng lại dù số mắc đã giảm.

Cần hiểu rõ điều này: Vi rút sở dĩ biến đổi liên tục và ngày càng dễ lây chính bởi nó vẫn lưu hành liên tục và có cơ hội để tiến hóa. Chỉ khi nào cắt hoàn toàn chuỗi lây truyền thì mới có thể chặn đà biến đổi của vi rút và để chặn được thì các biện pháp dự phòng cá nhân như 5K của Bộ Y tế  kết hợp được với vắc xin mới có thể đáp ứng tốt công tác phòng chống dịch.

tiem chung

Tại Việt Nam, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 luôn đặt lên hàng đầu - Ảnh Xuân Tùng.

PV: Là chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, ông có đánh giá như thế nào về quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam?

TS.BS. Phạm Quang Thái: Hiện tại Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong đảm bảo quy trình tiêm chủng vắc xin COVID-19. Với phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó,” quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến.

Trong khi nhiều nước họ tổ chức tiêm dạo, tiêm tại cộng đồng (xách phích đi tiêm đến từng nhà), tiêm tại các điểm lưu động (người dân đi xe qua, dừng tiêm rồi đi tiếp), tiêm ngay trong nhà thuốc hoặc siêu thị. Thì tại Việt Nam, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng. Cơ sở tiêm chủng vắc xi nphòng COVID-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị (có đủ phương tiện phòng chống sốc), có đội ngũ được đào tạo bài bản để tiêm chủng an toàn. Bản thân các cơ sở này cũng thường xuyên được giám sát cũng như người thực hiện tiêm chủng thường xuyên được tập huấn liên tục cập nhật về vắc xin mới, quy trình tiêm an toàn. Đây chính là điểm mạnh của hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam và đã được thế giới ghi nhận.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong số rất ít nước có được hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia quản lý đến từng người được tiêm. Dữ liệu từ hệ thống giúp đảm bảo cho công tác an toàn tiêm chủng ngày càng tốt hơn để phục vụ người dân.

PV: Trường hợp tử vong của nhân viên y tế ở An Giang được xác định là sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid, vô cùng hiếm gặp. Sau nỗi buồn thương tiếc, hẳn là chúng ta không dừng lại mà sẽ tìm biện pháp để phòng ngừa tối đa?

TS.BS. Phạm Quang Thái:  Chúng tôi hết sức buồn khi có sự cố này, đây là trường hợp vô cùng hiếm nhưng chúng ta không dừng ở đây mà phải có sự rút kinh nghiệm để không có những sự cố đáng tiếc như vậy.

Cụ thể là phải tăng độ sẵn sàng trong công tác phòng chống phản vệ tại tất cả các cơ sở tiêm chủng. Thậm chí nếu cần phải chuẩn bị sẵn Adrenalin để khi sự cố xảy ra chỉ việc tiêm ngay thay vì mất công chuẩn bị thuốc chống sốc. Công tác tập huấn và giám sát kiểm tra cũng cần tăng cường để đảm bảo việc nhân viên y tế sẵn sàng trong mọi tình huống.

PV: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi hữu ích này!

 

Lê Minh Thúy Sức Khỏe Đời Sống

comment Bình luận

largeer