Có nên cho con học thêm trước khi vào lớp 1 hay không?

Bước chân vào lớp 1 là dấu mốc quan trọng của cuộc đời mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, học trực tuyến vẫn là một giải pháp cần thiết. Vậy để trẻ thích ứng và hòa nhập với môi trường học tập mới, trên hết là gia đình nên chuẩn bị cho con những gì.
04/09/2021 18:35

Tại Tọa đàm trực tuyến "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến" sáng 3/9, các chuyên gia đã trao đổi về những cách thức để chuẩn bị tâm thế học tập trực tuyến cho lứa tuổi này và đưa ra lời khuyên trước những thắc mắc của phụ huynh.

Trước nhiều băn khoăn của phụ huynh về việc có nên cho con tham gia các trung tâm bồi dưỡng, bổ sung kiến thức trước khi vào lớp 1 hay không, TS. Phạm Quang Tiệp - Trưởng bộ môn Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu các con đã có đủ kỹ năng thì không quá nhất thiết phải tham gia nhiều khóa học bên ngoài. Đối với trẻ lớp 1 cần một người chỉ dẫn mà con cảm thấy thân thiết, vì vậy cha mẹ nên là người trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn các con.

TS Phạm Quang Tiệp chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến

TS Phạm Quang Tiệp chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến

Về mặt kiến thức, không nên cho các con học trước sẽ dẫn đến tâm lý chán nản. Thay vào đó chỉ chuẩn bị cho con nhận diện chữ cái, nét viết cơ bản và nhận diện hình học, con số… giúp trẻ có được sự tự tin trong quá trình học. Cùng với đó, cha mẹ cần đồng hành với con trong việc rèn kỹ năng tự phục vụ bản thân và các kỹ năng tương tác xã hội khác.

Thêm vào đó, Tiến sĩ Phạm Quang Tiệp cho biết: Khi trẻ bước vào môi trường tiểu học là bước vào môi trường mới, có nhiều thay đổi, hoạt động chuyển từ vui chơi sang học tập, tự thực hiện nhiều kỹ năng phục vụ bản thân và các kỹ năng giao tiếp xã hội khác. Những thay đổi đó đi kèm với việc phải học trực tuyến càng làm tăng khó khăn cho học sinh bắt đầu vào lớp 1. 

Vì vậy, giáo viên cần chuẩn bị giáo án phù hợp với dạy học trực tuyến, đặc biệt, cố gắng "game hóa" hoạt động học tập để kích hoạt sự chú ý và tập trung của các em. Học sinh chỉ nên tương tác với màn hình không quá 30 - 35 phút cho 1 tiết học và tối đa 2 tiếng mỗi ngày. 

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Quang Tiệp, sự đồng hành của cha mẹ được xem là yếu tố quyết định hiệu quả của việc học trực tuyến. Bản thân phụ huynh phải sẵn sàng tâm lý, tránh hoang mang, lo lắng và chủ động đồng hành cùng con trong việc tổ chức môi trường học tập tại nhà. 

"Cha mẹ cần tập dần cho con em mình việc tự nắm bắt và thực hiện các nhiệm vụ học tập, sử dụng và thao tác công nghệ, từ đó, giúp các con hình thành thói quen chủ động trong học tập", ông Tiệp nói.

Empty

Tại buổi tọa đàm, TS. Phạm Quang Tiệp cũng có những tư vấn đối với các thầy cô giáo tại các điểm trường vùng cao, phương tiện thiết bị và đường truyền internet còn hạn chế. Giáo viên và nhà trường cần phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ chuẩn bị phiếu bài tập cho các học sinh, đi đến từng nhà, từng vùng để hướng dẫn các con hoặc có thể lập nhóm nhỏ để giảng dạy nếu đảm bảo tình hình phòng dịch. Ngoài ra, ở một số vùng có thể triển khai dạy qua truyền hình để đảm bảo chất lượng học tập của các em.

Với những trẻ em chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (mất người thân, không đủ điều kiện học tập, bị cách ly trong thời gian dài) thì nhà trường và giáo viên cần có kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, cần sát sao, chia sẻ như người thân trước khi nghĩ đến việc dạy kiến thức. Quan trọng cần đảm bảo nhu cầu về thể chất, an toàn về tâm lý cho các em.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer