Có nhiều người bị rối loạn về khả năng khứu giác sau khi mắc COVID-19

Sáu tháng sau khi mắc COVID-19, có tới 1,6 triệu người ở Mỹ vẫn không thể ngửi được hoặc rối loạn về khả năng khứu giác, theo NBC.
18/01/2022 14:43

Nguyên nhân chính xác của triệu chứng liên quan đến COVID-19 vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà khoa học cho rằng nó bắt nguồn từ việc các tế bào nhiễm bệnh ở vùng mũi, được gọi là biểu mô khứu giác, bị tổn thương. Các tế bào này bảo vệ các tế bào thần kinh khứu giác, giúp con người ngửi thấy mùi hương.

Long_covid_getty

(Ảnh minh họa)

“Làm thế nào mà người mắc COVID-19 đi từ việc nhiễm bệnh đến mất khứu giác vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ", ông Justin Turner, phó giáo sư về tai mũi họng tại Đại học Vanderbilt, cho hay.

“Dữ liệu ban đầu cho thấy các tế bào hỗ trợ biểu mô khứu giác là những tế bào chủ yếu bị nhiễm virus. Có lẽ điều này dẫn đến cái chết của chính những tế bào thần kinh này”, ông nói.

“Nhưng chúng tôi không thực sự biết tại sao và khi nào điều đó xảy ra, hay vì sao nó dường như lại chỉ xảy ra ở một số cá nhân nhất định”, ông cho biết thêm.

Nghiên cứu được công bố hôm 17/1 trên tạp chí Nature Genetics đã xác định một yếu tố di truyền khác liên quan liên quan đến việc mất khứu giác sau khi mắc COVID-19.

Khám phá này giúp các chuyên gia hiểu rõ hơn về chứng rối loạn chức năng khứu giác và có thể tìm ra hướng điều trị cần thiết.

Rủi ro di truyền

Theo nghiên cứu mới, một vị trí gene cố định trên phân tử ADN (locus gene), nằm gần hai gene khứu giác, có liên quan đến việc mất khứu giác và vị giác do virus corona gây ra.

Các nhà khoa học tại công ty công nghệ sinh học và gene 23andMe đã tiến hành nghiên cứu này như một phần trong dự án lớn hơn về COVID-19. Tất cả tình nguyện viên đều sống ở Mỹ hoặc Anh.

Trong số 69,841 người tự báo cáo là có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, 68% cho biết họ trải qua triệu chứng mất khứu giác hoặc vị giác.

Sau khi so sánh sự khác biệt về gene giữa những người mất khứu giác và người báo cáo rằng họ không bị ảnh hưởng, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một vùng trong bộ gene liên quan đến sự khác biệt này.

Đó là vùng nằm gần hai gene UGT2A1 và UGT2A2. Cả hai gene này đều được thấy ở mô trong mũi, liên quan đến việc ngửi và đóng vai trò chuyển hóa chất, để từ đó gửi tín hiệu từ thụ thể khứu giác đến vùng não xử lý mùi hương.

“(Thông qua nghiên cứu), chúng tôi nhanh chóng có thêm những hiểu biết sinh học về căn bệnh mà từng rất khó để làm nghiên cứu trước đây”, Adam Auton, Phó chủ tịch về di truyền học tại công ty 23andMe và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Cách UGT2A1 và UGT2A2 tham gia vào quá trình dẫn đến mất khứu giác ở người mắc COVID-19 như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Dù vậy, ông Auton và các đồng nghiệp đưa ra giả thuyết rằng các gene “có thể đóng một vai trò sinh lý học nào đó đối với các tế bào bị nhiễm bệnh” và kết quả là dẫn đến sự suy yếu, mất khứu giác.

Rủi ro gene di truyền này có thể làm tăng khả năng một người nhiễm SARS-CoV-2 bị mất khứu giác hoặc vị giác lên 11%.

Nghiên cứu mới cũng cho thấy cứ 5 bệnh nhân gặp phải triệu chứng này thì sẽ có 4 người khỏi bệnh sau đó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo tình trạng này có thể làm mất khứu giác lâu dài, hay làm giảm khả năng ngửi và vị giác, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, sức khỏe thể chất và tâm lý.

Các nhà khoa học sẽ cần tìm hiểu thêm về cách các gene này biểu hiện và chức năng của chúng trong việc truyền tín hiệu đến khứu giác, ông Turner nói thêm.

Hướng đi khác

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra một số xu hướng nhất định ở những người mắc COVID-19, gặp triệu chứng mất khứu giác, vị giác hoặc cả hai.

Chẳng hạn như phụ nữ có nguy cơ mắc chứng này cao hơn 11% so với nam giới. Trong khi đó, những người trưởng thành trong độ tuổi 26-35 chiếm 73% trong nhóm này.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những đối tượng có "gốc Đông Á hoặc gốc Phi ít có khả năng bị mất khứu giác hoặc vị giác".

Nguyên nhân của phát hiện mới này vẫn chưa được xác định rõ. Ông Auton cho biết điều này có thể không xuất phát từ các biến đổi về mặt di truyền trên vị trí gene cụ thể.

Tuy nhiên, NBC đánh giá nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế trong việc phân nhóm đánh giá và sử dụng dữ liệu tự báo cáo từ những người tham gia.

Nhóm nhà khoa học cũng lưu ý rằng nghiên cứu này được thực hiện chủ yếu ở những người có tổ tiên ở châu Âu, vì vậy dữ liệu tham khảo còn hạn chế .

Danielle Reed, Phó giám đốc Trung tâm Cảm biến Hóa học Monell, đánh giá những phát hiện này có thể giúp bệnh nhân theo hai cách.

Đầu tiên, “nó giúp trả lời câu hỏi tại sao lại là tôi” khi bị mất khứu giác và vị giác sau khi mắc COVID-19.

“Một số người gặp phải triệu chứng này và một số không. Gene di truyền bẩm sinh có thể giải thích một phần lý do tại sao”, bà nói.

Nghiên cứu cũng có thể giúp các nhà khoa học tìm ra phương pháp điều trị. Nghiên cứu trước đó cho thấy việc mất các giác quan này liên quan đến việc “tế bào cảm thụ ở mũi và lưỡi bị nhiễm virus", bà Reed nói.

“Nghiên cứu này gợi ý một hướng đi khác”, bà nói. “Ngay từ đầu, con đường chuyển hóa các chất để cảm nhận mùi, vị có thể hoạt động quá mức hoặc không hoạt động, làm giảm hay làm sai lệch khả năng nếm và ngửi”.

Nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy người nhiễm biến chủng Omicron hiếm khi gặp phải triệu chứng mất khứu giác và vị giác hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó hoàn toàn không xảy ra. Trong một nghiên cứu về 81 bệnh nhân nhiễm Omicron ở Na Uy, 12% trường hợp báo cáo vị giác bị suy giảm và 23% ghi nhận mất dần vị giác.

Theo Zing

comment Bình luận

largeer