Công nhận đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 795/QĐ-TTg công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I.
06/08/2024 14:25
Một khu dân cư mới tại phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa

Một khu dân cư mới tại phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa

Theo đó, phạm vi đô thị Thanh Hóa gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thanh Hóa hiện hữu và huyện Đông Sơn hiện hữu, có tổng diện tích tự nhiên là 228,214 km2.

Khu vực nội thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 30 phường hiện hữu thuộc thành phố Thanh Hóa, 2 xã thuộc thành phố Thanh Hóa dự kiến thành lập phường (gồm các xã: Hoằng Quang và Hoằng Đại), 1 thị trấn và 1 xã thuộc huyện Đông Sơn dự kiến thành lập phường (gồm thị trấn Rừng Thông và xã Đông Thịnh) có tổng diện tích tự nhiên là 147,627 km2.

Khu vực ngoại thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 2 xã hiện hữu thuộc thành phố Thanh Hóa (gồm các xã: Đông Vinh và Thiệu Vân) và 12 xã hiện hữu thuộc huyện Đông Sơn (gồm các xã: Đông Văn, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Hoàng, Đông Ninh, Đông Hòa, Đông Yên, Đông Minh, Đông Thanh, Đông Phú, Đông Nam, Đông Quang) có tổng diện tích tự nhiên là 80,587 km2.

Ngược dòng lịch sử, tỉnh Thanh Hóa là khu vực hành chính tương đối ổn định và là một trong số ít địa phương của cả nước chưa hề có sự chia tách.

Năm Giáp Tý triều Gia Long thứ 3 (1804), Hoàng đế Nguyễn Ánh đã quyết định dời trấn thành Thanh Hóa, lỵ sở Thanh Hoá cũ ở xã Dương Xá về Thọ Hạc làm trấn lỵ Thanh Hóa, mở đầu cho sự phát triển của tỉnh lỵ Thanh Hóa.

Từ đó Thọ Hạc trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của trấn Thanh Hóa và là một trong 29 doanh, trấn của nước ta thời đó. Đến năm 1831, vua Minh Mạng lấy riêng một trấn Thanh Hóa đặt làm tỉnh Thanh Hoa và đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đổi lại thành tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1889 thực dân Pháp ép vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hóa; đến năm 1929 thực dân Pháp nâng cấp thị xã Thanh Hóa lên thành phố Thanh Hóa với diện tích 4 km2 với 6 phường. Năm 1945, Thanh Hóa lại trở thành thị xã theo Sắc lệnh số 11 của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định những thành phố thuộc tỉnh đều gọi là thị xã.

Đến năm 1993, thị xã Thanh Hóa được công nhận là thành phố, trở thành đô thị loại III và đô thị loại II năm 2003. Sau nhiều biến cố lịch sử, với nhiều lần thay đổi địa điểm và tên gọi, thành phố Thanh Hóa luôn giữ vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật của Thanh Hóa.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc trên chặng đường xây dựng và phát triển, ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ngày 23/5/2014, Chủ tịch nước ký Quyết định số 1036/QĐ-CTN trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thanh Hóa.

Việc công nhận đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I là yếu tố quan trọng đối với thực tế phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, sớm đưa địa phương này trở thành cực tăng trưởng mới của Tổ quốc. Đồng thời, đây là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu nhiều hơn nữa trong trong sự nghiệp phát triển đô thị trong tương lai.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer