Đà Nẵng chủ động phòng chống và xử lý sớm bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn đang tiếp tục có dấu hiệu tăng cao.
13/07/2022 20:35

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3.043 ca mắc, riêng từ ngày 27/6 – 3/7 đã ghi nhận 330 ca.

Các địa phương ở Đà Nẵng có ca mắc tăng cao là Hòa Vang (79 ca), Liên Chiểu (74 ca), cẩm Lệ (43 ca).

Theo đó, CDC Đà Nẵng cũng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố chưa có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 11/7, cả nước ghi nhận hơn 103.000 ca sốt xuất huyết, tăng khoảng 11 nghìn ca so với thống kê 1 tuần trước đó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đặc biệt, đã có 37 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Điều đó cho thấy đây là một bệnh truyền nhiễm có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và sinh mạng của người dân.

Chính vì vậy, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng đã có những khuyến cáo dành cho các bậc phụ huynh khi phát hiện con em mình mắc sốt xuất huyết.

Ba mẹ cần theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần. Cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, không nên để trẻ nô đùa nhiều và nên tránh dùng quần áo quá dày hoặc mặc nhiều áo quần hay ủ kín trẻ. 

Trường hợp, trẻ sốt trên 38,5 độ C cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng. Cần đọc kỹ hướng dẫn trên hộp thuốc và những lưu ý mà bác sĩ hướng dẫn. Chỉ được cho trẻ uống lặp lại 4-6 giờ một lần nếu sốt, không được uống liên tục. Cần lau mát bằng nước ấm khi trẻ sốt để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật.

Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc. Không tự ý dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen (vì dễ gây xuất huyết nặng).

Ngoài ra, không cạo gió, vì làn da của trẻ mỏng manh sẽ làm trẻ đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Sốt xuất huyết có khả năng làm chảy máu tiêu hóa, chảy máu chân răng.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer