Đà Nẵng lên phương án chống dịch COVID-19 sau khi hết 7 ngày thực hiện "ai ở đâu thì ở đó"

Chiều tối 19/8, Lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, trong đó dành nhiều thời gian để bàn về phương án chống dịch sau khi hết 7 ngày "ai ở đâu thì ở đó".
20/08/2021 09:40

Chiều tối 19/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đã tổ chức cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh.

kkkk

Người dân quận Sơn Trà (Đà Nẵng) xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.(Ảnh minh họa)

Thông tin tại cuộc họp, trong ngày 19/8, Đà Nẵng ghi nhận 169 ca mắc COVID-19, bao gồm 99 ca đã được cách ly, 12 ca trong khu phong tỏa; 43 ca cộng đồng và 15 ca là F1 chuyển thành F0 tại Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía tây thành phố.

Tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2.297 ca mắc COVID-19. Tổng số lượt người được xét nghiệm toàn thành phố trong ngày là 125.328 lượt, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là 124.258 lượt người.

Qua nắm bắt thực tế của lãnh đạo các cấp và thông tin tại cuộc họp cho thấy, đa số nhân dân đồng thuận, chấp hành nghiêm túc quy định “ai ở đâu thì ở đó” của thành phố. Người dân nhận thấy số lượng ca mắc mới tăng cao là do mở rộng xét nghiệm toàn dân.

Tuy nhiên, người dân cho rẳng, chủng virus này lây lan nhanh, phức tạp nên nếu không bóc tách được hết thì đe dọa sức khỏe nhân dân. Vì vậy, nhiều người đề nghị nếu những ngày cuối của 7 ngày tạm dừng mọi hoạt động mà chưa giảm được hết số ca F0 thì nên kéo dài thêm 2-3 ngày trước khi áp dụng những biện pháp tiếp theo, nhằm bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng.

Bên cạnh đó, dư luận nhân dân đề nghị sau khi hết 7 ngày tạm dừng mọi hoạt động, UBND thành phố sớm ban hành những quyết định phòng chống dịch tiếp theo, tránh tình trạng ban hành quyết định quá muộn, thời gian còn lại không đủ để người dân và doanh nghiệp chuẩn bị thực hiện.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ngành y tế phân tích kỹ số liệu lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 31/7 đến nay, nhất là số liệu lấy mẫu xét nghiệm toàn dân 2 đợt. Từ đó, thành phố đánh giá đúng khu vực dân cư có nguy cơ cao để hướng tới thu hẹp vùng cách ly y tế, khoanh vùng phong tỏa đúng phạm vi.

"Rút kinh nghiệm việc phong tỏa rộng, cách ly y tế toàn bộ 5 phường thuộc quận Sơn Trà là quá rộng khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở phân tích kết quả xét nghiệm toàn dân lần thứ nhất để có kế hoạch lấy mẫu toàn dân lần thứ hai hợp lý hơn, khoa học hơn.

Ví dụ như quận Hải Châu là điểm nóng, có nhiều khu vực dân cư có nguy cơ rất cao, tỷ lệ ca dương tính trong số mẫu xét nghiệm rất cao. Vậy, ngành y tế cần lấy mẫu 100% số nhân khẩu chứ không dừng lại lấy mẫu đại diện hộ gia đình. Sở Y tế cần phải đánh giá, phân tích cụ thể để tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch", ông Quảng yêu cầu.

bi thu dn

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế báo cáo cụ thể, đầy đủ để lãnh đạo thành phố đưa ra quyết định sau thời hạn 7 ngày thực hiện "ai ở đâu thì ở đó".

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị ngành y tế sớm chuẩn bị nội dung báo cáo tổng kết đợt lấy mẫu lần thứ hai. Từ đó, có cơ sở kết quả đánh giá Quyết định 2788 về bổ sung một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.

"Đề nghị làm báo cáo đầy đủ, rõ ràng để chúng ta đưa ra các quyết định sau 8h ngày 23/8. Tôi nhấn mạnh là việc này rất quan trọng. Bên cạnh đó, yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu về lương thực, thực phẩm cho người dân khi dự trữ thực phẩm những ngày qua đã bắt đầu cạn, tránh những bức xúc của nhân dân khi hết thực phẩm", ông Quảng nói.

Ngoài ra, tại cuộc họp, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn các biện pháp phòng chống dịch theo Quyết định 2788 của UBND thành phố.

"Sở Y tế cần sớm có báo cáo đánh giá cụ thể tình hình dịch bệnh để có biện pháp phù hợp. Tinh thần là thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16. Đồng thời, Sở Công Thương sẵn sàng kịch bản cung ứng cho thành phố trong tình huống tiếp tục giãn cách xã hội triệt để và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương rà soát số lao động gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, tham mưu cho thành phố chính sách hỗ trợ kịp thời", ông Chinh nói.

Minh Hồng

comment Bình luận

largeer