Đà Nẵng: Số ca bệnh tay chân miệng tăng cao ở trẻ từ 1-5 tuổi

Trong khoảng 2 tuần qua, tại Đà Nẵng, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tăng cao, đa số là trẻ từ 1-5 tuổi.
12/05/2022 17:27
553

Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố ghi nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng. Riêng từ ngày 25/4-1/5, Đà Nẵng ghi nhận 105 ca mắc. Hiện có 5 quận, huyện ghi nhận ca bệnh tay chân miệng trong cộng đồng.

Hiện nay, dịch bệnh này đang bước vào mùa cao điểm đầu tiên trong năm. Trẻ mắc tay chân miệng thường trong độ tuổi từ 1-5; trong đó, trẻ từ 1-3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao. Trước tình hình đó, ngành y tế Đà Nẵng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trong cộng đồng; đồng thời khuyến cáo người dân chủ động có biện pháp phòng bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho hay, trong hai tuần gần đây, mỗi ngày, Khoa đều tiếp nhận, điều trị khoảng 10-20 bệnh nhi và gần 50 bệnh nhân đến khám do bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đang điều trị nội trú gần 100 bệnh nhân mắc bệnh này. Hầu hết các trường hợp ở thể vừa. Nhiều trường hợp trẻ được đưa đến cơ sở y tế khi đã có biểu hiện rõ của bệnh. Trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến bệnh rất nhanh, nếu chậm xử lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của trẻ.

Chăm cháu đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bà Phan Thị Hương (trú tại tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: Bệnh tay chân miệng ở cháu bà tiến triển rất nhanh. Lúc đầu xuất hiện mẩn đỏ ở ngón tay, lan xuống dưới lòng bàn chân và sau đó xuất hiện chấm đỏ ở vùng miệng.

Đang chăm con điều trị bệnh này tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, chị Đỗ Thị Thùy Dương (trú tại tỉnh Quảng Nam) cho hay: Trước khi vào viện, bé sốt 1 ngày 2 đêm. Vào khám mới phát hiện bé mắc bệnh tay chân miệng và phải nhập viện điều trị.  

Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng Nguyễn Hải Thịnh nhận định, bệnh tay chân miệng có biểu hiện bệnh lý khác so với sốt siêu vi hay những bệnh khác. Diễn biến của bệnh rất nhanh và có một số biến chứng nguy hiểm về thần kinh, ảnh hướng đến tim mạch, hô hấp. Do đó, mọi người không nên chủ quan trong vấn đề phát hiện, điều trị.

Bác sĩ Thịnh khuyến cáo, bệnh thường lây qua đường ăn uống và tiêu hóa. Vì vậy để phòng bệnh, phụ huynh cần nâng cao vệ sinh, thường xuyên rửa tay cho trẻ, lau rửa sàn nhà, đồ chơi, đảm bảo ăn chín, uống sôi. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên cách ly trẻ ở nhà từ 7-10 ngày, không nên cho đến trường học vì bệnh có tốc độ lây rất nhanh.

Theo Tin Tức

comment Bình luận

largeer