Đắk Lắk chủ động phòng sốt xuất huyết để tránh dịch chồng dịch

Kiểm tra muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại một gia đình
Tính từ đầu năm đến ngày 7/4, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 163 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Ea Súp 115 trường hợp, huyện Buôn Đôn 12 trường hợp, huyện Cư M’gar 11 trường hợp, huyện Krông Pắk 7 trường hợp, TP. Buôn Ma Thuột 5 trường hợp… trong đó, xuất hiện 2 ổ dịch tại huyện Ea Súp.
Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bệnh sốt xuất huyết mang tính chu kỳ, thường 3 năm một lần, cụ thể trong những năm trở lại đây, các năm 2010, 2013, 2016 và đặc biệt năm 2019 có số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết rất lớn và số lượng bệnh nhân khá nhiều. Trong đó, năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trên 23.000 trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và dự kiến, trong năm 2022 sẽ là năm chu kỳ sốt xuất huyết quay trở lại.
Cũng theo bác sĩ Trí, mặc dù trong 3 tháng đầu năm, số ca mắc bệnh đang ít, tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi, khi bước vào mùa mưa số ca mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng nhanh chóng, trong đó đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng tháng 8 - 9.
Do đó, để tránh không để dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nếu bùng phát thêm dịch sốt xuất huyết, đây sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành Y tế trong vấn đề giám sát phòng, chống dịch cũng như điều trị, đồng thời làm tăng nguy cơ tử vong đối với các trường hợp vừa mắc COVID-19, vừa mắc sốt xuất huyết.
Chính vì vậy, một trong những vấn đề ưu tiên trong năm 2022, ngoài phòng, chống COVID-19, ngành Y tế đang tiến hành song song triển khai các hoạt động giám sát, kịp thời khống chế các ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ xảy ra trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và khu vực quanh nhà như: bể, thùng, lu, vại chứa nước sạch; chai lọ, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải, lốp xe hỏng có chứa nước đọng.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường bắt đầu với triệu chứng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2 - 7 ngày, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Có trường hợp diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc, hoặc xuất huyết nặng, suy tạng, có thể dẫn tới tử vong.
Ngoài ra, bệnh sốt xuất huyết có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các cơ sở y tế khám bệnh, dẫn tới tình trạng bệnh nặng và biến chứng thành xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, có nguy cơ tử vong.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, nhất là tại thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, vì sức khỏe của chính bản thân và sức khỏe của cả cộng đồng, mỗi người cần nâng cao ý thức, thực hiện các biện pháp phòng tránh sau đây:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước.
Thường xuyên thay nước bình bông, chén nước kê chân tủ đựng thức ăn 3 ngày một lần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Người dân cần chủ động ngủ màn, mặc quần áo dài tay phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bản thân, người nhà xuất hiện các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị đúng phác đồ, không tự ý điều trị tại nhà.
Theo VTV

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hai ông lớn bất động sản và y tế hợp tác xây dựng bệnh viện nghìn giường, khám chữa bệnh đa khoa và chuyên sâu ung bướu công nghệ cao
Là khu đô thị xanh, hiện đại bậc nhất TP.HCM Hồ Chí Minh, Công ty Phú Mỹ Hưng đã dành “khu đất vàng” đắt giá để chào đón Hệ thống BVĐK Tâm Anh đầu tư xây dựng bệnh viện hiện đại nghìn giường với công nghệ khám chữa bệnh đẳng cấp quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái tiện ích phục vụ cư dân khu đô thị và người dân thành phố.April 19 at 10:18 am -
Tập đoàn Amway ra mắt bộ giải pháp chăm sóc tóc và da đầu hoàn toàn mới
Hôm nay, thương hiệu chăm sóc tóc Satinique, thuộc Tập đoàn Amway vừa ra mắt bộ giải pháp chăm sóc tóc và da đầu hoàn toàn mới. Với công thức cải tiến vượt trội, chứa các dưỡng chất từ thực vật an toàn và dịu nhẹ, Satinique mang đến hiệu quả chăm sóc tối ưu, giúp mái tóc khỏe mạnh, bóng mượt và tràn đầy sức sống.April 17 at 4:46 pm -
Long Châu đồng loạt phủ cờ Tổ quốc ở hơn 2025 nhà thuốc trên toàn quốc nhân dịp lễ 30/4 - 1/5
Những ngày tháng Tư, khắp các tuyến đường, con phố trên cả nước dần nhuộm đỏ sắc cờ. Người người, nhà nhà đều háo hức chuẩn bị đón chào dịp lễ trọng đại – kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Hòa trong không khí ấy, hệ thống hơn 2000 nhà thuốc Long Châu trên toàn quốc đồng loạt trang trí, treo cờ Tổ quốc rực rỡ.April 15 at 2:19 pm -
Meijibio Healing Retreat: Hành trình chữa lành cho sức khỏe thân – tâm – trí
Trong nhịp sống hiện đại đầy áp lực, con người ngày càng ý thức rõ hơn về nhu cầu chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, không chỉ là chữa bệnh, mà còn là phòng ngừa, phục hồi và tái tạo năng lượng sống. Từ đó, khái niệm Healing Retreat – hành trình chữa lành dần trở thành xu hướng mới trên toàn cầu, đặc biệt với những ai đang tìm kiếm sự cân bằng sâu sắc giữa thể chất và tinh thần.April 15 at 10:06 am