Đắk Lắk phòng ngừa nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, với chu kỳ 3 năm một lần thì năm 2022 sẽ là năm bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, bùng phát thành dịch.
03/05/2022 08:52

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận khoảng 170 trường hợp mắc SXH, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột, trong đó đáng chú ý là sự xuất hiện 2 ổ dịch tại huyện Ea Súp. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trịnh Quang Trí, bệnh SXH mang tính chu kỳ, thường diễn ra 3 năm một lần.

Trong những năm 2010, 2013, 2016 và đặc biệt năm 2019, dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp với số lượng bệnh nhân khá lớn. Riêng năm 2019, trên địa bàn tỉnh ghi nhận trên 23.000 trường hợp bệnh nhân mắc SXH và dự kiến, trong năm 2022 sẽ là năm chu kỳ SXH quay trở lại. Mặc dù trong 3 tháng đầu năm số ca mắc bệnh đang còn ít, tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi, khi bước vào mùa mưa số ca mắc bệnh SXH sẽ gia tăng nhanh chóng, trong đó đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng tháng 8,9.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để phòng nguy cơ dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, ngành y tế đã dự báo năm 2022 là năm dịch SXH quay trở lại và để kịp thời ứng phó với tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nếu bùng phát thêm dịch SXH, đây sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế trong vấn đề giám sát, phòng chống dịch cũng như điều trị, đồng thời làm tăng nguy cơ tử vong đối với các trường hợp vừa mắc COVID-19, vừa mắc SXH. Vì thế, một trong những vấn đề ưu tiên trong năm 2022, ngoài phòng, chống COVID-19, ngành Y tế đang tiến hành song song các hoạt động giám sát, kịp thời khống chế các ổ dịch SXH nhỏ xảy ra trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. SXH không chỉ nguy hiểm vì gây sốt cao triền miên, liên tục trong nhiều ngày mà còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Theo các chuyên gia y tế, vi rút gây bệnh SXH có 4 tuýp: D1, D2, D3, D4. Khi mắc bệnh ở tuýp vi rút nào thì cơ thể có thể miễn dịch với tuýp vi rút đó nhưng không đủ miễn dịch để phòng tất cả các tuýp khác. Vì vậy, về lý thuyết, một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần.

Bệnh SXH Dengue thường bắt đầu với triệu chứng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2-7 ngày, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Có trường hợp diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc, hoặc xuất huyết nặng, suy tạng, có thể dẫn tới tử vong. Ngoài ra, bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt vi rút thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các cơ sở y tế khám bệnh, dẫn tới tình trạng bệnh nặng và biến chứng thành xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, nguy cơ tử vong cao.     

SXH là bệnh lưu hành quanh năm. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết đang bắt đầu bước vào mùa mưa - là thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Khi đẻ trứng, muỗi vằn gây bệnh SXH thường chọn nơi nước sạch, không đẻ trứng nơi ao tù, nước thải, cống rãnh. Trứng muỗi còn có đặc điểm bám vào thành lu, hũ và có thể tồn tại đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước thì trứng đó lập tức phát triển thành loăng quăng rồi thành muỗi.

Do đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, nhất là tại thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc phòng chống bệnh SXH càng cần phải quan tâm để tránh nguy cơ dịch lây lan, bùng phát gây tình trạng “dịch chồng dịch”, mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như: ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước bình bông, chén nước kê chân tủ đựng thức ăn 3 ngày một lần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên (chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...) không cho muỗi đẻ trứng. Đặc biệt, khi bản thân, người nhà xuất hiện các dấu hiệu của bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị đúng phác đồ, không tự ý điều trị tại nhà.

Theo Báo Đắk Lắk

comment Bình luận

largeer