Đắk Nông tiếp tục công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ra quyết định số 1077/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với tuyến đường Tỉnh lộ 1 tại Km 25+100 - Km25+950 xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức.
22/08/2023 12:22

Từ ngày 28/7 - 6/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục xuất hiện mưa vừa, mưa to, mưa rất to và kéo dài. Tổng lượng mưa đo được tại trạm Quảng Tâm gần khu vực thiên tai là 454,6mm. Riêng ngày 30/7, lượng mưa rất lớn, đạt 183,4mm.

Theo đó, mưa lớn kéo dài từ ngày 5/8 - 8/8 nên tuyến đường tỉnh lộ 1 tại Km25+100 - Km25+950 xã quảng Tâm, huyện Tuy Đức đã xuất hiện các vết rạn nứt (bề rộng vết nứt khoảng 30cm - 35cm) và sụt lún dạng vòng cung (các vết sụt lún sâu khoảng 5cm - 30cm); nền nhà và diện tích đất của các hộ dân phía taluy âm xuất hiện nhiều vết nứt (rộng từ 10cm - 20cm).

Tuyến đường Tỉnh lộ 1 tại Km25+100 - Km25+950 xã quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Ảnh: T. Quỳnh (Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai)

Tuyến đường Tỉnh lộ 1 tại Km25+100 - Km25+950 xã quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Ảnh: T. Quỳnh (Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai)

Đến ngày 17/8, các vết nứt gãy, sạt trượt đã mở rộng từ 0,2m - 0,5m, sâu > 1m và các vết nứt còn xuất hiện thêm tại khu vực dân cư xung quanh, làm nứt tường, nền nhà một số hộ dân. Hiện này, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, chuẩn bị đón đợt mưa lớn vào cuối tháng 8/2023; việc xuất hiện các vết nứt, sụt lún nêu trên khi gặp thời tiết mưa lớn, kéo dài có nguy cơ cao dẫn đến sạt, trượt nền đường, nền nhà và diện tích đất của các hộ dân bên phía taluy âm, gây mất an toàn giao thông trên đoạn tuyến và ảnh hưởng đến cuộc sống, an toàn của các hộ dân trong khu vực.

Tình huống thiên tai ở trên đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới công trình hạ tầng giao thông đường bộ Tỉnh lộ 1, hoạt động tham gia giao thông và tính mạng, tài sản của 55 hộ dân xung quanh. Các cơ quan chức năng đã có các biện pháp ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả: Đã cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có phận sự vào khu vực cảnh báo nguy hiểm; di dời các hộ dân xung quanh khu vực sạt trượt đến nơi an toàn.

Tổ chức trực ban tại công trình 24/24h; Quan trắc, theo dõi và đánh giá diễn biến thiên tai; sự dịch chuyển, nứt gãy, sạt trượt tại công trình. Tổ chức phân luồng, phân làn giao thông, đảm bảo lưu thông và an toàn khi tham gia giao thông. Thực hiện giải pháp xử lý nhằm hạn chế nước thấm, nước chảy vào các vết nứt.

Thực hiện xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý sửa chữa, khắc phục tuyến đường mang tính ổn định, lâu dài để đảm bảo giao thông, không ách tắc. Phải thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai; sự dịch chuyển, nứt gãy hạng mục công trình, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh biết, chỉ đạo...

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai

comment Bình luận

largeer