Để phòng bệnh người cao tuổi nên áp dụng các biện pháp phòng dịch nào?

Các bệnh truyền nhiễm mới nổi (COVID-19), tái nổi (đậu mùa khỉ…) và các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành hiện nay như cúm A, cúm B, sốt xuất huyết,… gây ra những nguy hại đối với sức khỏe người cao tuổi.
12/11/2022 15:19

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm gần 12% dân số cả nước. Phần lớn người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành...

Người cao tuổi sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra. Vì thế, việc phòng tránh các bệnh lây nhiễm giúp bảo vệ sức khỏe người cao tuổi, giảm nguy cơ các bệnh tiến triển nặng, tiết kiệm chi phí điều trị. Để phòng bệnh người cao tuổi nên áp dụng các biện pháp phòng dịch như sau:

39cc01_Hinh-2-Fix

(Ảnh minh hoạ)

Tăng sức đề kháng

Để có một cơ thể khỏe mạnh thì cần có sức đề kháng tốt. Sức đề kháng là hệ thống phòng vệ của cơ thể người cao tuổi, giúp chống lại các tác nhân có hại như virus, vi khuẩn, nấm và nhiều yếu tố khác từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.

Những nhóm chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng là nhóm chất đạm (thịt heo, thịt bò, cá, trứng, sữa...), nhóm chất béo (dầu đậu nành, dầu mè, dầu ôliu, dầu hướng dương...), nhóm bột đường (cơm, mì, nuôi, bánh mì...), nhóm khoáng chất (các loại rau, củ, quả, trái cây...). Mỗi bữa ăn của người cao tuổi nên ăn theo chế độ: 1/3 trái cây và rau xanh, 1/3 chất đạm (thịt, cá, trứng…) và còn lại là ngũ cốc, tinh bột.

Tiêm phòng đầy đủ

Đối với người cao tuổi, việc tiêm phòng đầy đủ rất quan trọng. Việc tiêm nhắc hoặc tiêm đủ liều, đúng lịch sẽ giúp hệ miễn dịch người cao tuổi tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là một số bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện và gây nguy hiểm trong thời gian gần đây. 

Đối với dịch COVID-19, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu và rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc và đẩy lùi COVID-19.

Áp dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân

Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh, đặc biệt là bệnh đậu mùa khỉ, đeo khẩu trang khi có nguy cơ lây lan các bệnh hô hấp như cúm, COVID-19. Tránh để muỗi đốt, đặc biệt là muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động mạnh lúc sáng sớm và chiều tối.

Việc giữ ấm cho cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh, nhiệt độ thấp kèm với độ ẩm cao khiến cơ thể người già rất dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm đường hô hấp. Thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân; không nên đi xa, không đi chơi khuya, nhất là những ngày trời rét, cần tránh ra ngoài.

Chữa và kiểm soát các bệnh mạn tính

Các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, phổi mạn tính, cao huyết áp, ung thư… có nguy cơ chuyển nặng cũng như tăng tỷ lệ tử vong nếu không may mắc các bệnh truyền nhiễm, cao nhất do COVID-19. Do đó, người lớn tuổi cần kiểm soát bệnh, sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer