Địa phương sẵn sàng, tích cực triển khai thí điểm học bạ số

Trong 2 ngày (4, 5/7), đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã làm việc với Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang và Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình về nội dung triển khai thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học tại địa phương.
05/07/2024 14:41

100% trường tiểu học thực hiện thí điểm học bạ số

Báo cáo về việc triển khai thực hiện thí điểm học bạ số, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT Bắc Giang Vũ Trí Ngư cho biết: Sở GDĐT đã sớm ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo cụ thể, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông khởi tạo 8.187 email công vụ dành cho 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên cấp tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ để triển khai dịch vụ ký số tập trung, chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp.

Về phần mềm ứng dụng, Sở GDĐT đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị vận hành kỹ thuật hệ thống cơ sở dữ liệu ngành của tỉnh trong việc rà soát, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp để triển khai thí điểm Học bạ số trong 242 cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Theo đó, tiến hành nghiên cứu các nội dung chỉ đạo, đặc biệt là các yêu cầu về đặc tả kỹ thuật được Bộ GDĐT cụ thể hóa tại các văn bản chỉ đạo.

Song song với đó, Sở GDĐT hoàn thiện, ban hành Quy chế quản lý, sử dụng Học bạ số cấp tiểu học trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang nhằm quy định thống nhất việc quản lý, sử dụng Học bạ số cấp tiểu học trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 100% trường tham gia thí điểm học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4.

hocbaso

Đoàn công tác Bộ GDĐT làm việc với Sở GDĐT Bắc Giang về triển khai học bạ số. (Ảnh: Bộ GDĐT)

Đánh giá về quá trình triển khai mô hình quản lý và sử dụng Học bạ số, Sở GDĐT Bắc Giang nhận thấy ưu điểm đối với hệ thống được phân cấp quản lý rõ ràng từ cơ sở giáo dục đến sở GDĐT và Bộ GDĐT, mỗi cấp có một vai trò và trách nhiệm cụ thể. Đối với phần mềm quản lý trong nhà trường thể hiện được tính toàn diện, tính tích hợp, tính bảo mật, kết nối và tiêu chuẩn hóa. Trong đó, việc yêu cầu chữ ký số của hiệu trưởng và cơ sở giáo dục đảm bảo tính xác thực và an toàn của dữ liệu.

Đối với giải pháp công nghệ, giải pháp kỹ thuật, việc sử dụng định dạng XML với các quy tắc cụ thể về cách đặt tên thẻ, biểu diễn dữ liệu giúp tạo ra một cấu trúc dữ liệu nhất quán và dễ đọc, đảm bảo tính tiêu chuẩn hóa. Việc yêu cầu chữ ký số của giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng và cơ sở giáo dục đảm bảo tính xác thực và không thể chối bỏ của dữ liệu.

Là địa phương miền núi, có nhiều trường nằm cách xa nhau, quy mô trường lớp nhỏ, có nhiều điểm trường lẻ, còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội nhưng ngay sau khi Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình đã chủ động kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học, Sở GDĐT Hòa Bình Nguyễn Thị Hồng Diễm cho biết: Sở GDĐT đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu giáo dục quốc gia, xác thực định danh và sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ lệu của tỉnh và chuyên ngành khi có yêu cầu. Sở GDĐT cũng đã tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học cho 100% lãnh đạo, chuyên viên phụ trách tiểu học, công nghệ thông tin và 100% hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên phụ trách kỹ thuật, công nghệ thông tin các trường tiểu học, trường TH&THCS có cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2024, toàn tỉnh có 222 trường thực hiện thí điểm học bạ số, đạt 100%, với 2441 lớp từ lớp 1 đến lớp 4. Số học bạ được phát hành đạt 97,8%, số học sinh còn lại rèn luyện trong hè, được kiểm tra bổ sung thời điểm tháng 8 năm 2024.

Triển khai học bạ số không thay đổi về công việc chuyên môn của giáo viên

Theo Phó Trưởng phòng GDĐT thành phố Bắc Giang Nguyễn Văn Phái: Khắc phục những khó khăn ban đầu, xác định chuyển đổi số trong giáo dục trong đó có triển khai thí điểm học bạ số là nhiệm vụ phải thực hiện, Phòng GDĐT thành phố Bắc Giang đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, thực hiện báo cáo và thống kê đúng thời gian quy định.

Phòng GDĐT Thành phố Bắc Giang cũng chỉ đạo, tuyên truyền tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong đơn vị về triển khai học bạ số. Đồng thời, cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn về chữ ký số, học bạ số theo chỉ đạo của Sở. Đến nay, trên toàn thành phố, tổng số học bạ số được ký phát hành là 14.775/15.002, đạt 98,36%.

Tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, đến tháng 6/2024, phần mềm học bạ số đã được triển khai đồng bộ tại tất cả các trường tiểu học trên địa bàn. Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Tân Yên Đỗ Văn Chi cho hay: Phần mềm hoạt động ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu về quản lý và sử dụng học bạ số. Giáo viên và cán bộ quản lý đã nắm vững cách sử dụng phần mềm, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý học sinh. Hiện nay, 100% hiệu trưởng, giáo viên đã tạo học bạ số trên cơ sở dữ liệu ngành và ký, phát thành công.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Bắc Giang cho biết: Nhà trường đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, Sở GDĐT, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt tinh thần cán bộ quản lý, giáo viên ngay trong nhà trường, trong đó có Quy chế quản lý, sử dụng học bạ số. Nhà trường cũng chủ động tổ chức tập huấn, triển khai phần mềm học bạ số trên cơ sở dữ liệu ngành tới 100% cán bộ, giáo viên.

Mặc dù đội ngũ nhà giáo ở bậc tiểu học có nhiều giáo viên lớn tuổi, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin nhưng tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã xem việc triển khai thí điểm học bạ số là “cuộc cách mạng” khi chuyển hoàn toàn từ học bạ giấy sang học bạ số. Ban đầu có nhiều khó khăn trong việc triển khai nhưng sau khi nghiên cứu, tập huấn, đội ngũ đánh giá học bạ số đáp ứng được các tiêu chí khoa học, minh bạch, rõ ràng, tiết kiệm thời gian, công sức cho đội ngũ giáo viên.

Làm việc tại các địa phương, đoàn công tác Bộ GDĐT đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình triển khai thí điểm học bạ số đối với tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hòa Bình, tập trung vào các nội dung như cấp chữ ký số, sử dụng phần mềm ứng dụng, mô hình triển khai, quản lý cơ sở dữ liệu. Đoàn công tác cũng đã kiểm tra và hướng dẫn cán bộ quản lý các nhà trường cách sử dụng phần mềm, quản lý cơ sở dữ liệu.

Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm, để triển khai đồng bộ thí điểm Học bạ số cấp tiểu học, Sở GDĐT đã tích cực, quyết liệt ở tất cả các cấp nhằm mang lại kết quả cao nhất. Đối với một số điểm cần lưu ý, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp thu, triển khai thực hiện, khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Trao đổi với địa phương, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài, Trưởng đoàn công tác Bộ GDĐT nhấn mạnh, triển khai học bạ số không thay đổi về công việc chuyên môn mà chỉ thay đổi cách thức thực hiện trong công việc của giáo viên. Do đó, đề nghị các Sở GDĐT lưu ý, rà soát, kiểm đếm các nội dung hoạt động cần triển khai, những việc đã thực hiện, những việc chưa thực hiện và cần phải hoàn thiện, quyết liệt thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Ngoài ra, đối với các ý kiến đoàn công tác đã trao đổi, ông Thái Văn Tài đề nghị các Sở GDĐT tiếp thu để hoàn thiện nội dung trong triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học đúng thời gian đã đề ra.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer