Điện Biên: Nâng cao hiệu quả mô hình bảo vệ môi trường nông thôn

Những năm qua, ý thức trách nhiệm người dân, cộng đồng dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Điện Biên được nâng cao. Các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom, phân loại và xử lý rác tại nơi phát sinh, không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực.
24/06/2021 10:08

Trong công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, toàn tỉnh Điện Biên hiện có 10 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động. Tỉnh Điện Biên đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên tại xã Pom Lót, huyện Điện Biên, đảm bảo xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và một số xã lòng chảo huyện Điện Biên. 

394

Đa số các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên đã được xây dựng bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV qua sử dụng

Tại khu vực nông thôn, không phải nơi nào việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cũng được thực hiện tốt, vì ý thức của người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Công tác thu gom và xử lý rác thải thường thông qua các mô hình tổ tự quản. Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực lồng ghép các nguồn lực để cho các xã hoàn thiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả đáng ghi nhận là đến nay, toàn tỉnh Điện Biên hiện có 34 xã thực hiện nông thôn mới đã đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường.

Ghi nhận tại huyện Ðiện Biên, để bảo vệ môi trường, thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Hợp đồng với các doanh nghiệp để thu gom, vận chuyển rác thải về bãi rác; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc chung tay giữ gìn vệ sinh, không xả rác tùy tiện ra môi trường, chăn nuôi hợp vệ sinh. Giờ đây, diện mạo nông thôn huyện Điện Biên đã dần thay đổi, nhất là các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được chú trọng, các xã đã thực hiện thu gom và xử lý rác thải đúng nơi tập kết. Tại các xã vùng cao, công tác xử lý rác thải có phần khó khăn hơn xong các xã đã chủ động xây các lò đốt rác heo nhóm hộ gia đình để giảm thiểu lượng rác thải phát sinh ra môi trường.

393

Người dân xã Noong Hẹt tham gia bảo vệ môi trường

Trước đây, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên với hơn 2.200 hộ, trên 9.000 nhân khẩu cùng với việc trên địa bàn xã có 2 chợ (chợ Bản Phủ và chợ trung tâm xã) nên lượng rác thải phát sinh rất lớn. Bên cạnh đó, giao thông đi lại còn khó khăn nên việc thu gom rác thải còn nhiều hạn chế. Vẫn còn tình trạng người dân xử lý rác (nhất là rác thải rắn) không đúng nơi quy định; chế biến nông sản chưa có hệ thống xử lý rác, nước thải theo quy định nên việc kiểm soát về môi trường rất khó khăn. Xã có 2 điểm thu gom rác với quy mô nhỏ nên không đủ chứa và xử lý khối lượng rác.

Ông Lê Duy Hưng - Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Để giải quyết vấn đề rác thải trên địa bàn, xã đã quy hoạch thêm 1 bãi tập kết rác ở khu vực cánh đồng đội 10 với sức chứa trên 100m3. Nhằm nâng cao nhận thức người dân, xã Noong Hẹt đã thành lập tổ thu gom rác thải, vận chuyển rác đến nơi tập kết. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường cũng như hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cải tạo, bảo vệ môi trường tại địa phương. Trong sản xuất nông nghiệp, đã có bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, người dân có ý thức thu gom vỏ bao bì sau khi sử dụng thuốc đem đến nơi quy định để xử lý. Việc xử lý chất thải ở các hộ chăn nuôi cũng được người dân thực hiện tốt, chuồng trại nằm cách biệt với nhà, chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý khép kín. 

392

Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên với công nghệ hiện đại góp phần xử lý rác thải của huyện Điện Biên và TP Điện Biên Phủ

Thay đổi thói quen xả rác tự do trong sinh hoạt, xây dựng ý thức thu gom, xử lý rác thải cho người dân là một trong những yếu tố quan trọng giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Tuy nhiên, việc làm này không thể trong một sớm một chiều, đòi hỏi phải có thời gian, sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên hơn nữa của chính quyền, các đoàn thể địa phương.

Theo Tài nguyên môi trường

comment Bình luận

largeer