Doanh nghiệp đưa ra kiến nghị với Thủ tướng để giảm gánh nặng

Các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất Chính phủ đẩy nhanh việc tiêm vaccine khu vực sản xuất, giảm tối đa thuế, phí hay xã hội hoá chống dịch để giảm gánh nặng cho ngân sách.
08/08/2021 18:04

Đây là một trong những giải pháp, sáng kiến được đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề nêu ra với Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến ngày 8/8 với kỳ vọng Chính phủ đưa ra chính sách nhất quán, giúp họ vượt qua khó khăn của đại dịch, phục hồi sản xuất và không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Phần lớn các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp đều cho rằng, để duy trì hoạt động thì giải pháp căn cơ nhất là tiêm nhanh, tiêm ngay vaccine cho người lao động khu vực sản xuất, vận tải, chuỗi cung ứng. Bởi chi phí tiêm vaccine còn rẻ hơn nhiều so với việc doanh nghiệp bị đóng cửa, phá sản.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đã làm nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa. Số ít duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến" cũng cầm chừng và nguy cơ không thực hiện được đơn hàng. Việc giao hàng chậm, phải giao hàng bằng đường hàng không và bị khách huỷ đơn hàng là rất lớn.

Chủ tịch Vitas cho rằng, để thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch, bảo đảm thu nhập cho người lao động và hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng thì vấn đề khai thác vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng là cấp bách. Chính phủ, Bộ Y tế cần ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp, lái xe, shipper... Việc này có ý nghĩa rất quan trọng với ngành sản xuất, logistics, vì họ là những mắt xích quan trọng giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

"Doanh nghiệp sẵn sàng góp chi phí, đẩy nhanh tìm nguồn cung và tiến độ tiêm chủng", ông Giang đề nghị.

a8

Đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội tham dự cuộc làm việc với Thủ tướng ngày 8/8

Đồng tình chuyện doanh nghiệp sẵn sàng trả phí vaccine, xét nghiệm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không Vietjet Air đề xuất Chính phủ cho phép xã hội hoá công tác chống dịch, xét nghiệm để giảm gánh nặng cho ngân sách. "Đề nghị Bộ Y tế cho cơ chế", bà nói.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng là hàng hoá xuất, nhập khẩu phải lưu thông, không bị ách tắc.

Theo ông Nguyễn Công Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Ôtô Vận tải, lưu thông hàng hóa phục vụ phòng chống dịch và phát triển kinh tế vẫn được duy trì nhưng ở nhiều nơi ách tắc kéo dài, gián đoạn do có nhiều trạm kiểm soát trên đường. Thực trạng này làm giảm hiệu quả của công tác vận tải, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đội ngũ lái xe.

Ông cho rằng, khi một tỉnh, thành phố công bố thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng hoặc các biện pháp phòng chống dịch cao hơn, cần phải đảm bảo lưu thông cho phương tiện vận tải trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đó.

"Các tỉnh cần đảm bảo lưu thông cho xe chở hàng bằng giải pháp phân luồng từ xa hoặc cho xe đi theo đường vành đai để lưu thông không bị ách tắc", ông Hùng nêu quan điểm.

Ngoài ra, kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương, áp dụng công nghệ để giảm thiểu số lượng phương tiện phải dừng, thời gian một lần dừng. Nguyên tắc xuyên suốt, ông Hùng nhấn mạnh, là phương tiện đi ra từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc, khi kiểm tra xong nhập dữ liệu vào hệ thống để các trạm khác không kiểm tra nữa.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) cũng đề nghị, quy định về hàng hóa được vận chuyển lưu thông cần được áp dụng thống nhất trong cả nước, ưu tiên "luồng xanh" cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất.

Cùng đó, không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung như thu phí hạ tầng cảng biển ở TP HCM từ 1/10... để giảm khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch kéo dài.

Giống như VLA, đại diện doanh nghiệp dệt may kiến nghị, bỏ quy định cấp mã QRcode về "luồng xanh", danh mục hàng hoá thiết yếu trên phạm vi cả nước. Thay vào đó, cho phép lưu thông hàng hóa trong điều kiện bình thường nếu bảo đảm phòng chống dịch, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh theo quy định. Ngoài ra, cần thống nhất phương pháp kiểm tra hàng hóa sản xuất, xuất khẩu, nguyên phụ liệu. Chẳng hạn, sản phẩm dệt may có các thành phần in, thêu... thì cần có sự thống nhất trên toàn quốc khi kiểm tra.

Các doanh nghiệp cũng muốn Chính phủ giảm tối đa thuế, phí và cho phép doanh nghiệp hoạt động dựa trên kịch bản theo từng cấp độ an toàn dịch bệnh thay vì phải áp dụng một mô hình chung cho tất cả.

Hàng không là một trong số lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại. Năm 2019 Vietjet đóng góp cho ngân sách trực tiếp và gián tiếp hơn 9.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho giai đoạn sau giãn cách xã hội, các nhu cầu chữa bệnh, giáo dục, du lịch... được dự báo tăng trở lại. Khi đó, theo bà Thảo, cần chuẩn bị sẵn sàng và an toàn cho việc mở lại các đường bay quốc tế và nội địa. Nhắc tới kinh nghiệm của Singapore, CEO Vietjet nói, cần đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin để mỗi người dân, mỗi khách nước ngoài đều có mã QRcode khai báo y tế và trạng thái tiêm chủng, xét nghiệm thường xuyên.

Bà Thảo cũng cho rằng, các bộ, ngành cần có giải pháp lâu dài thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng, cầu đường, sân bay, đường sắt, giao thông đô thị, tạo hệ thống logistic hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu.

Còn với ngành đông lao động như dệt may, ông Vũ Đức Giang đề nghị, với những địa bàn đã qua 14-24 ngày không có ca nhiễm mới cần cho doanh nghiệp được mở cửa hoạt động, kêu gọi người lao động vào làm việc, tạo sự tin tưởng cho các nhãn hàng và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm áp dụng mô hình sản xuất.

Chính phủ, Bộ Y tế cần có hướng dẫn theo từng kịch bản cụ thể để các doanh nghiệp, địa phương cùng thống nhất thực hiện mô hình "3 tại chỗ". Ví dụ điều kiện gì để được phép thực hiện "3 tại chỗ", khi có F0 thì chính quyền, y tế địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp xử lý thế nào.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong khả năng của mình, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

"Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ" , Thủ tướng nhấn mạnh.

Anh Minh

comment Bình luận

largeer