Doanh nghiệp Nam Định sản xuất vật tư y tế phục vụ cộng đồng

Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”, các ngành, các địa phương chú trọng phương án đảm bảo cung ứng, bình ổn giá thuốc, thiết bị y tế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu vật tư phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
02/10/2021 19:45

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” - GMP theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); 3 nhà máy cung ứng khí ô xy phục vụ y tế và 2 nhà máy sản xuất thiết bị y tế; 918 cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh; trong đó, có 39 cơ sở bán buôn, 150 nhà thuốc, 710 quầy thuốc và 19 cơ sở bán lẻ thành phẩm thuốc dược liệu. Hệ thống cung ứng thuốc được đổi mới, phát triển cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo 100% cơ sở kinh doanh thuốc đạt “Thực hành tốt phân phối thuốc - GDP”; 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt “Thực hành tốt nhà thuốc - GPP”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc đảm bảo cung ứng, bình ổn giá thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như chống đứt gãy chuỗi cung ứng, ngoài việc chủ động triển khai các phương án mua sắm thuốc, vật tư y tế, thiết bị phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tạo mọi điều kiện để duy trì và khôi phục hoạt động của các cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế bảo đảm chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu theo phương châm “4 tại chỗ” để tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn lực.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc và vật tư y tế không rõ nguồn gốc, thuốc giả; các trường hợp quảng cáo thuốc không đúng công dụng; tăng giá thuốc không hợp lý; đầu cơ, găm hàng đối với thuốc và nguyên liệu làm thuốc; sử dụng thuốc và nguyên liệu làm thuốc sai mục đích. Trên cơ sở đó, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh, sản xuất, kinh doanh dược phẩm trên địa bàn tỉnh triển khai dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là các loại thuộc danh mục thuốc thiết yếu điều trị cho người bệnh mắc COVID-19 theo Quyết định số 2626/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, kể cả nguyên liệu phụ trợ như bông gạc, bao bì, tá dược… cập nhật, áp dụng đầy đủ và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để sản xuất ổn định. Do đó mạng lưới sản xuất, cung ứng thuốc của tỉnh phát triển, phân đều trên các tuyến, cung ứng đủ thuốc, bảo đảm chất lượng, đáp ứng các hoạt động dự phòng; khám, chữa bệnh thường xuyên và phòng, chống dịch. Ngoài các tiêu chí chung, các doanh nghiệp, nhà thuốc cam kết không tăng giá, ép giá đối với các mặt hàng thuốc, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch.

binh-oxy

(Ảnh minh họa)

Nhiều nhà thuốc như Long Châu, Mỹ Nhung, Bình Hường (thành phố Nam Định)… kết hợp cả bán trực tiếp và trực tuyến. Đại diện Công ty Dược phẩm FPT Long Châu hiện có chuỗi cửa hàng cung ứng thuốc, vật tư y tế lớn nhất trên địa bàn tỉnh cho biết: Các hợp đồng cung ứng thuốc, vật tư y tế phòng dịch đều được đơn vị ký kết với các nhà phân phối với số lượng, giá cả ổn định và được thống nhất từ trước, do đó sẽ không có hiện tượng tăng giá trong bối cảnh dịch, bệnh. Bên cạnh đó, Công ty còn có tổng kho dự trữ tại Hà Nội và có thể thực hiện luân chuyển hàng hóa tại các kho hàng trên địa bàn tỉnh nên nguồn cung vật tư y tế sẽ luôn được bảo đảm với giá cả đã được niêm yết. Đối với nhóm hàng hóa là ôxy, các trang thiết bị hỗ trợ hô hấp như máy thở, bình ôxy y tế là những nhu yếu phẩm cấp thiết trong kế hoạch dự trữ, nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19, Sở Công Thương đã chủ động làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, tiến hành khảo sát và đánh giá năng lực chiết nạp và tồn trữ ôxy của các cơ sở để xây dựng phương án cung ứng khi dịch bệnh bùng phát. Đến nay toàn tỉnh có khả năng tồn trữ ôxy ở cả dạng lỏng và khí với tổng dung tích trên 50 tấn. Lượng ôxy các doanh nghiệp có khả năng cung ứng cao hơn nhiều lần so với nhu cầu sản xuất công nghiệp cũng như phục vụ y tế ở các bệnh viện trên địa bàn và trong khu vực. Công suất chiết nạp của mỗi đơn vị khoảng 1.000 chai, 40 lít/ngày. Phương tiện vận chuyển chuyên dụng đầy đủ, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật. Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, Sở Công Thương và các doanh nghiệp cam kết sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch như: bố trí nhân công sang chiết khí, lái xe, giao hàng thay phiên nhau làm việc đảm bảo không bị ngừng sản xuất; thu hồi các vỏ bình khí ôxy đối với khách hàng sử dụng mục đích không thiết yếu để chiết nạp ưu tiên cung ứng phục vụ phòng, chống dịch; dùng xe chuyên dụng, bồn lớn để chứa ôxy, cung ứng đến từng cơ sở khám chữa bệnh tập trung và lắp đặt hệ thống dẫn khí tới từng giường bệnh. Đối với các hộ gia đình, ôxy được dự trữ trong các bình chuyên dụng từ 8 lít tới 40 lít tùy vào nhu cầu sử dụng.  

Với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, tinh thần trách nhiệm gắn sản xuất, kinh doanh với thực hiện nghiêm phòng dịch trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp, việc cung ứng thuốc, vật tư y tế trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Do đó người dân chỉ nên dự trữ trong nhà cơ số thuốc cơ bản phù hợp mô hình tủ thuốc gia đình, không nên mua và tích trữ quá nhiều thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là khí ôxy để tránh lãng phí và tạo biến động tiêu cực cho thị trường. Hơn thế nữa việc dùng nhóm hàng hóa này phải đảm bảo quy trình an toàn phải theo chỉ định và hướng dẫn, có sự giám sát của nhân viên y tế, tránh nguy cơ ngộ độc khí ôxy, tiềm ẩn mối nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình và cộng đồng.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Nguyễn Hương

comment Bình luận

largeer