Đồng Nai: Xử lý vướng mắc, không để đứt gãy chuỗi sản xuất do dịch

Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp đã tin tưởng, đầu tư hàng chục tỷ USD vào tỉnh, chính quyền có trách nhiệm giải quyết vướng mắc, đảm bảo sản xuất không bị đứt gãy.
20/08/2021 17:16

Những tháng qua, dịch COVID-19 lây lan rộng ở Đồng Nai - địa phương có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất ở nước ta. Thực hiện phòng, chống dịch, việc tạm ngưng hoạt động tại các nhà máy là cần thiết.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Đồng Nai sản xuất hàng để xuất khẩu, hoạt động của họ có liên quan mật thiết với chuỗi cung ứng toàn cầu. Để giải bài bài toán vừa chống dịch vừa sản xuất, ngành chức năng Đồng Nai cho phép doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ. Phương án này tuy có phát sinh bất cập song vẫn là tối ưu trong điều kiện hiện nay.

Cuối tháng 6/2021, Công ty Daikan Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai tổ chức cho hơn 80 công nhân lưu trú tại công ty. Khi thực hiện 3 tại chỗ, trung bình mỗi tháng, công ty phải chi thêm 1 tỷ đồng tiền ăn, sinh hoạt phí cho công nhân.

Ông Nguyễn Công Đoàn, Giám đốc Công ty Daikan Việt Nam, cho biết thời điểm này, vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp duy trì sản xuất không phải là lợi nhuận mà vì khách hàng, đảm bảo thu nhập và giữ chân người lao động.

Công ty Daikan Việt Nam chuyên sản xuất bảng hiệu và bảng quảng cáo xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới. Việc giao hàng của công ty không thể trì hoãn, bởi liên quan đến việc khai trương, khánh thành với mốc thời gian cụ thể của đối tác. Nếu Công ty Daikan Việt Nam ngừng sản xuất, đối tác buộc phải tìm nhà cung cấp mới, doanh nghiệp mất thị trường.

Hàng loạt doanh nghiệp FDI vẫn tăng vốn đầu tư vào Đồng Nai

Ngoài ra, lao động cũng sẽ rời đi, khi hoạt động trở lại doanh nghiệp không có đủ nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động tay nghề cao.

“Dù dịch bệnh, song kinh tế thế giới vẫn đang vận hành. Hiện việc cạnh tranh dành bạn hàng diễn ra rất khốc liệt, nếu ngưng hoạt động, Công ty Daikan Việt Nam sẽ tự loại mình ra khỏi chuỗi sản xuất toàn cầu,” ông Nguyễn Công Đoàn khẳng định.

Theo ông Nguyễn Công Đoàn, khi thực hiện 3 tại chỗ, Công ty Daikan Việt Nam siết chặt các giải pháp phòng dịch, song việc lây nhiễm COVID-19 là điều không thể nói trước.

Doanh nghiệp đã phải gồng gánh, nỗ lực rất nhiều để duy trì sản xuất, quá trình thực hiện 3 tại chỗ nếu phát sinh bất cập, dịch bệnh lây lan, ngành chức năng cần quan tâm tháo gỡ, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động liền mạch, không đứt gãy.

19

Tiêm vaccine cho công nhân

Công ty Hyosung Việt Nam-Đồng Nai (gọi tắt là Công ty Hyosung), đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, tỉnh Đồng Nai có 7.000 lao động. Từ cuối tháng 7, doanh nghiệp bắt đầu thực hiện 3 tại chỗ với khoảng 6.000 lao động lưu trú.

Để triển khai 3 tại chỗ, Công ty Hyosung chi nhiều kinh phí lắp đặt máy điều hòa, máy giặt, nhà vệ sinh di dộng và mua sắm đồ dùng phục vụ ăn ở, sinh hoạt của người lao động. Hiện mỗi ngày, công ty cũng chi số tiền lớn để lo 3 bữa ăn và tiền trợ cấp cho công nhân.

Theo lãnh đạo Công ty Hyosung, doanh nghiệp phải duy trì hoạt động, bởi hiện nay sản phẩm sợi spandex và sợi vải mành lốp xe steel tirecord do công ty sản xuất chiếm 70% thị phần châu Á và 30% thị phần thế giới.

Nếu ngừng sản xuất thì hàng ngàn lao động sẽ gặp khó khăn, chuỗi cung ứng của thế giới bị đứt gãy, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất lốp xe lớn trên thế giới như Bridge Stone, Michellin, Goodyear, ảnh hưởng đến sự tín nhiệm, môi trường đầu tư của Việt Nam.

Công ty Hyosung mong muốn ngành chức năng đưa ra những quyết sách phù hợp, tiếp tục cho doanh nghiệp hoạt động theo phương án 3 tại chỗ cho đến khi dịch được kiểm soát, phân bổ vaccine COVID-19 để tiêm phòng cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, lúc này, phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là ưu tiên số 1 của Đồng Nai. Tỉnh bảo vệ, duy trì sản xuất nhưng phải tuyệt đối an toàn.

Ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện "3 tại chỗ," nếu doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu thì kiên quyết dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng doanh nghiệp phải tự ý thức, xác định phòng chống dịch là bảo vệ mình. Quá trình thực hiện "3 tại chỗ" nếu phát sinh bất cập, xuất hiện ca nhiễm COVID-19, doanh nghiệp không được che dấu thông tin, mà cần chủ động phối hợp với chính quyền xử lý kịp thời, không để hình thành các ổ dịch trong doanh nghiệp.

Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, hầu hết doanh nghiệp ở Đồng Nai là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hàng hóa chủ yếu xuất khẩu, quá trình sản xuất kinh doanh liên quan mật thiết với nhiều đối tác, chuỗi cung ứng trên thế giới.

Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn được hoạt động vì ngoài vấn đề lợi nhuận còn liên quan đến các đơn hàng, duy trì chuỗi sản xuất. Phía người lao động cũng muốn được làm việc để đảm bảo thu nhập.

Ông Cao Tiến Dũng chia sẻ mục tiêu cao nhất của Đồng Nai lúc này là phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo sự vận hành liên tục của nền kinh tế. Nếu kinh tế ngưng trệ, hàng loạt vấn đề xã hội sẽ phát sinh, gây ra những hệ lụy lâu dài.

Doanh nghiệp đã tin tưởng, đầu tư hàng chục tỷ USD vào Đồng Nai, chính quyền có trách nhiệm giải quyết những vướng mắc, đảm bảo quá trình sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy, cũng cố niềm tin của nhà đầu tư.

“Thời điểm này, một số giải pháp phòng, chống dịch của ngành chức năng có thể gây ra những khó khăn, bất tiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính quyền Đồng Nai mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thấu hiểu, chia sẻ cùng địa phương. Đồng Nai đang nỗ lực, dồn mọi nguồn lực để sớm đẩy lùi COVID-19, chỉ khi dịch bệnh qua đi, các doanh nghiệp mới có thể phát triển lâu dài, bền vững,” ông Cao Tiến Dũng khẳng định.

Theo ông Cao Tiến Dũng, quan điểm của Đồng Nai là bảo vệ sản xuất song sản xuất phải đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản giải quyết kịp thời vướng mắc tại doanh nghiệp 3 tại chỗ, chỉ đạo các đơn vị tích cực chăm lo đời sống cho người lao động, xử lý những vấn đề xã hội có thể phát sinh trong quá trình công nhân lưu trú tại công ty.

Tới đây, Đồng Nai tiếp tục ưu tiên phân bổ vaccine cho doanh nghiệp, đảm bảo 100% người lao động đang lưu trú trong các công ty được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, đến nay, tại Đồng Nai có gần 1.180 doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ với gần 140.000 lao động lưu trú tại công ty.

Quá trình thực hiện 3 tại chỗ một số doanh nghiệp ghi nhận ca mắc COVID-19 khiến người lao động lo lắng, muốn trở về địa phương; nhiều doanh nghiệp muốn dừng 3 tại chỗ, giảm số lao động lưu trú tại công ty.

Thời điểm này, để tránh cho doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động thì phương án 3 tại chỗ là tối ưu nhất. Nhằm tạo miễn dịch cho công nhân trong các nhà máy, sớm ổn định sản xuất, từ đầu tháng 8 đến nay, Đồng Nai đã phân bổ hơn 170.000 liều vaccine cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Để chấn chỉnh bất cập, Đồng Nai đang tổ chức 4 đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện 3 tại chỗ tại các doanh nghiệp. Các đoàn sẽ trực tiếp làm việc, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các hồ sơ liên quan đến phương án 3 tại chỗ, rà soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại doanh nghiệp, kiểm tra mật độ người lao động, chế độ ăn, ở, phúc lợi tại nơi người lao động tạm trú. Những doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu tỉnh sẽ lập tức dừng hoạt động.

“Hiện một số doanh nghiệp kiến nghị Đồng Nai cho lao động trở về nơi cư trú, hàng ngày đi làm bình thường. Điều này không phù hợp, bởi số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng còn cao, tỷ lệ người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn thấp, nếu để người lao động đi làm rồi trở về nơi cư trú thì nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng là rất lớn,” ông Lê Văn Danh nhấn mạnh.

Theo Vietnam+

 

comment Bình luận

largeer