G7 sẽ cung cấp một tỷ liều vaccine COVID-19 cho thế giới

G7 sẽ mở rộng sản xuất vaccine COVID-19 toàn cầu để cung cấp ít nhất một tỷ liều cho thế giới thông qua chương trình chia sẻ và tài trợ.
11/06/2021 07:30

 "Tại hội nghị thượng đỉnh G7, các lãnh đạo thế giới dự kiến thông báo họ sẽ cung cấp ít nhất một tỷ liều vaccine COVID-19 cho thế giới và đặt ra kế hoạch mở rộng sản xuất vaccine để đạt mục tiêu đó" vào năm 2023, Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong một tuyên bố hôm 10/6.

Thông báo được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vaccine COVID-19 cho 92 quốc gia nghèo và có thu nhập dưới trung bình.

Anh, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, nói thêm rằng họ sẽ tài trợ ít nhất 100 triệu liều vaccine dư thừa trong năm tới, gồm 5 triệu liều bắt đầu trong những tuần tới.

Cam kết được đưa ra sau những kêu gọi ngày càng tăng để các nước giàu tăng cường nỗ lực chia sẻ mũi tiêm COVID-19 với quốc gia kém phát triển hơn. Các tổ chức từ thiện cảnh báo tình trạng tiêm chủng bất công hiện nay đang dẫn đến "nạn phân biệt chủng tộc bằng vaccine".

Anh, quốc gia đặt hàng hơn 400 triệu liều, đã phải đối mặt với chỉ trích vì chưa bắt đầu chia sẻ với các nước nghèo hơn. Tuy nhiên vào đêm trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau gần hai năm, Thủ tướng Johnson cam kết điều đó sẽ sớm thay đổi.

"Nhờ thành công trong chương trình vaccine của Anh, chúng tôi có thể chia sẻ một số liều lượng dư thừa với những người cần. Tại hội nghị thượng đỉnh G7, tôi hy vọng các lãnh đạo cũng sẽ đưa ra cam kết tương tự", ông Johnson nói hôm 10/6.

Trong khi đó, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý tài trợ ít nhất 100 triệu liều vào cuối năm 2021, với Pháp và Đức mỗi nước cam kết cung cấp 30 triệu liều. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nhóm dược phẩm sản xuất vaccine quyên góp 10% sản lượng cho các quốc gia nghèo.

g7-4763-1623367419

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp song phương tại Vịnh Carbis, Cornwal, tây nam nước Anh, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7.

Thế giới đã ghi nhận 175.502.882 ca nhiễm nCoV và 3.785.748 ca tử vong, tăng lần lượt 329.746 và 8.939, trong khi 157.558.602 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.275.075 ca nhiễm và 613.806 ca tử vong do nCoV, tăng 10.690 ca nhiễm và 314 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Mỹ cũng đã phải đối mặt với chỉ trích vì dự trữ lượng lớn các loại vaccine COVID-19 chưa dùng đến. Nhưng với hơn 60% người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi, Washington đã tiến tới giành lại vị trí dẫn đầu toàn cầu với khoản tài trợ khổng lồ sẽ được chuyển thông qua chương trình chia sẻ vaccine Covax nhằm đảm bảo phân phối toàn cầu công bằng.

Nhà Trắng cho biết vaccine sẽ bắt đầu được chuyển ra nước ngoài vào tháng 8. Bác bỏ những ý kiến cho rằng đang cạnh tranh ngoại giao vaccine với Nga và Trung Quốc, Washington mô tả sáng kiến của mình là quay lại hành động đa phương sau chủ nghĩa biệt lập dân tộc dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 29.273.338 ca nhiễm và 363.097 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 91.266 và 3.402 ca.

Ấn Độ hôm qua báo cáo kỷ lục hơn 6.000 ca tử vong do COVID-19, cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới từ khi đại dịch bùng phát, sau khi bang Bihar sửa đổi số liệu người chết. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng số người chết do COVID-19 ở quốc gia Nam Á này đã bị thống kê quá thấp.

Giới chuyên gia Ấn Độ cảnh báo nước này có thể hứng chịu làn sóng COVID-19 thứ ba vào cuối năm nay với nguy cơ ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ em. Ấn Độ đã tăng tốc chương trình tiêm vaccine COVID-19 trong vài tuần qua, song phần lớn trong 1,3 tỷ dân nước này dự kiến chưa được tiêm vào thời điểm làn sóng thứ ba có thể bùng phát.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 17.210.969 ca nhiễm và 482.019 ca tử vong, tăng lần lượt 85.612 và 2.228.

Tòa án tối cao Brazil hôm 10/6 phán quyết nước này có thể tổ chức giải vô địch bóng đá Nam Mỹ Copa America, dọn đường cho giải bóng đá diễn ra sau ba ngày nữa, bất chấp những kêu gọi cho rằng nên hủy bỏ sự kiện vì rủi ro y tế.

Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro, người thường xuyên coi nhẹ đại dịch, đã gửi lời chúc mừng sau phán quyết của tòa. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cảnh báo Brazil đang phải đối mặt với sự gia tăng ca nhiễm mới và việc tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế lớn có thể đổ thêm dầu vào lửa.

"Không thể nào diễn tả được sự điên rồ khi cố tổ chức một sự kiện tầm cỡ như thế này ở đây", chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Jose David Urbaez nói.

 châu Âu, một số hạn chế đã được nới lỏng trước thềm giải bóng đá châu Âu Euro bắt đầu từ 11/6. Đan Mạch sẽ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ở hầu hết các không gian công cộng và cho phép 25.000 người hâm mộ tham dự các trận đấu của ở Copenhagen.

Tuy nhiên Hans Kluge, giám đốc khu vực châu Âu của WHO, cho biết ông lo ngại sự tự mãn.

"Phạm vi tiêm chủng còn lâu mới đủ để bảo vệ khu vực khỏi các đợt bùng phát mới", Kluge nói với phóng viên, đồng thời cảnh báo không nên lặp lại "sai lầm" của mùa hè năm ngoái bằng cách nới lỏng sớm các biện pháp hạn chế.

Nam Phi đã bước vào sóng COVID-19 thứ ba khi quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Phi ghi nhận 9.149 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.722.086. Trong khi đó, ca tử vong cũng tăng lên 57.410 sau khi ghi nhận thêm 100 trường hợp.

Khoảng 90% các quốc gia châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào tháng 9 khi đợt bùng phát thứ ba đã bắt đầu ở châu lục. Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, cho biết châu lục này cần thêm 225 triệu liều để có thể đạt mục tiêu tiêm chủng trên.

Châu Phi đã ghi nhận 5 triệu ca nhiễm, trong đó khu vực phía nam châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm 37% tổng số ca nhiễm. Nam Phi chiếm khoảng khoảng 34% tổng số ca nhiễm và khoảng 43% tổng số ca tử vong.

Trong khi đó, chính phủ Iran cảnh báo thành công gần đây trong việc ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 nguy hiểm nhất ở Trung Đông có nguy cơ bị đảo ngược nếu công chúng ngừng cẩn trọng trong các biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh thiếu vaccine.

Quốc gia này đã chứng kiến tổng số ca nhiễm vượt mốc ba triệu hôm 10/6.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.885.942 ca nhiễm, tăng 8.892, trong đó 52.373 người chết, tăng 211. Hơn 10 của hàng McDonald's phải đóng cửa hôm 9/6 vì lo ngại COVID-19 bùng phát, sau khi chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này ra mắt suất ăn BTS khiến người hâm mộ của ban nhạc Hàn Quốc ùn ùn đổ tới thưởng thức.

Jakarta và một số thành phố khác đóng cửa ít nhất 13 cửa hàng. Fajar Purwoto, người đứng đầu cơ quan trật tự của thành phố, cho biết chính quyền "tạm thời đóng cửa 4 trong số 6 của hàng McDonald's ở Semarang trong vài ngày". "Tôi không muốn Semarang lại thành vùng đỏ vì COVID-19 nữa", ông nói.

Singapore sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế ngăn COVID-19 theo từng giai đoạn, bắt đầu từ 14/6. Bộ Y tế Sigapore cho biết quyết định được đưa ra sau khi sự lây nhiễm trong nước chậm lại và ca mắc mới giảm.

(Theo vnexpress)

comment Bình luận

largeer