Gần 93 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn cầu

Thế giới đã ghi nhận 92.691.311 ca nhiễm và 1.984.546 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 737.345 và 16.618 ca so với 24 giờ trước. 66.226.026 người đã bình phục sau khi nhiễm virus, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
14/01/2021 14:52

WHO ngày 13/1 công báo báo cáo hàng tuần cho biết 50 nước và vùng lãnh thổ đã ghi nhận chủng nCoV mới từ Anh, trong khi chủng từ Nam Phi xuất hiện ở 20 nước và vùng lãnh thổ. "nCoV càng lây lan thì càng có nhiều cơ hội để nó biến độ. Mức độ lây nhiễm cao đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện nhiều biến thể hơn", báo cáo có đoạn viết.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 279.703 ca nhiễm và 4.980 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm lên 23.584.886 trong đó 393.436 người chết.

Đối mặt với những con số nghiệt ngã và sự hiện diện của biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn, giới chức hôm 12/1 thông báo những người muốn bay tới Mỹ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi khởi hành.

covif

Nhân viên y tế làm xét nghiệm nCoV tại Pháp ngày 13/1. Ảnh: AFP.

Giữa tháng 12 năm ngoái, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn với mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế. Nhưng các nỗ lực này không đạt được mong muốn, khi tính đến ngày 12/1, Mỹ mới tiêm chủng được cho 9,3 triệu, chưa được nửa mục tiêu 20 triệu người năm 2020 và chưa đầy 10% dân số.

Biden từng nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 đủ cho 50 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tại Nhà Trắng. Tổng thống đắc cử Joe Biden bày tỏ mong muốn huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia và quân đội để phân phối vaccine, thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 16.757 ca nhiễm và 194 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.512.573 và 151.758.

Các hãng hàng không Ấn Độ hôm qua bắt đầu phân phối vaccine Covid-19 trên toàn quốc, chuẩn bị khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới cho 1,3 tỷ dân. Việc tiêm chủng dự kiến bắt đầu được tiến hành vào ngày 16/1, vaccine được cung cấp miễn phí.

Giới chức kỳ vọng khoảng 300 triệu người nguy cơ cao được tiêm phòng Covid-19 trong 6-8 tháng tới. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông chất lượng thấp và hệ thống y tế xuống cấp có thể khiến nỗ lực tiêm chủng toàn quốc gặp nhiều trở ngại.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.283 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 206.009. Số người nhiễm nCoV tăng 61.822 ca trong 24 giờ qua, lên 8.257.459.

Chính phủ Brazil cho biết nước này sẽ khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trong ít nhất ba tuần nữa, sau khi hứng nhiều chỉ trích vì hành động chậm, với làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện từ tháng 11/2020.

Viện Butantan, nhà sản xuất dược phẩm nổi tiếng của Brazil đang hợp tác với công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, cho biết vaccine Coronavac của công ty này đã đạt mức hiệu quả 50,4% trong các thử nghiệm ở Brazil. Butantan tuần trước nộp yêu cầu cấp phép vaccine lên cơ quan quản lý y tế ANVISA. Ngay sau đó, nhà sản xuất vaccine AstraZeneca/Oxford cũng nộp yêu cầu.

Tổng thống Jair Bolsonaro ngày 13/1 nói rằng ông đã đúng khi chỉ trích độ đáng tin cậy của vaccine Trung Quốc. Tuy nhiên, Bolsonaro cho biết ông không có vai trò gì trong việc "bật đèn xanh" cho Coronavac vì cơ quan quản lý y tế liên bang Anvisa mới là bên quyết định xem có chấp thuận sử dụng nó hay không. Chính phủ Brazil đầu tháng một ký thỏa thuận với Viện Butantan để mua tới 100 triệu liều vaccine của Trung Quốc.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 22.850 ca nhiễm nCoV và 566 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.471.053 và 63.370.

Nga sẵn sàng triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V từ 18/1. Trước đó, nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người già từ hồi đầu tháng 12/2020. Giới chức Nga cho biết 1,5 triệu công dân đã tiêm vaccine.

Làn sóng lây nhiễm thứ hai bắt đầu ở nước này vào tháng 9 nhưng giới chức không áp đặt phong tỏa diện rộng như đợt bùng phát đầu tiên.

Truyền thông Nga hôm 12/1 đưa tin hãng dược phẩm Mỹ Pfizer cho biết họ đang xem xét khả năng nộp đơn xin cấp phép vaccine Covid-19 tại nước này. Tuy nhiên, Pfizer, công ty phát triển vaccine với hãng công nghệ sinh học BioNTech của Đức, chưa bình luận về vấn đề.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 3.211.576 ca nhiễm và 84.767 ca tử vong, tăng lần lượt 47.525 và 1.564 ca.

Anh đã tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca và Pfizer cho người dân trong chương trình tiêm chủng lớn nhất lịch sử đất nước, với ưu tiên dành cho người cao tuổi, những người chăm sóc họ và nhân viên y tế. Chính quyền đang chạy đua nhằm bảo vệ càng nhiều dân càng tốt, do biến thể nCoV mới tại Anh được cho là dễ lây lan hơn nhiều.

Trên toàn nước Anh có 15 triệu người thuộc nhóm ưu tiên cao nhưng chỉ 2,4 triệu người được tiêm cho đến nay, vì vậy, chính phủ cần hơn hai triệu lượt tiêm chủng mỗi tuần để đạt được mục tiêu tiêm hết cho nhóm này trước giữa tháng hai. Thủ tướng Boris Johnson ngày 13/1 hứa hẹn sẽ triển khai tiêm vaccine 24/7, 7 ngày một tuần "sớm nhất có thể".

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 23.852 ca nhiễm và 229 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.830.442 và 69.031. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích vực vẫn tiếp tục tăng, trong khi gần 190.000 người đã được tiêm chủng. Tốc độ triển khai vaccine của Pháp bị chỉ trích chậm hơn nhiều nước châu Âu khác.

Chính phủ Pháp đang cân nhắc khả năng áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, hoặc mở rộng lệnh giới nghiêm đang được áp dụng tại một số khu vực ra quy mô toàn quốc. Các cố vấn khoa học của chính phủ cho biết thêm rằng Pháp có thể còn phải xem xét việc siết hạn chế người dân di chuyển, nhằm kiềm chế những biến thể nCoV mới của Anh và Nam Phi.

Đức đang là vùng dịch lớn thứ 10 thế giới với 1.980.861 ca nhiễm và 44.404 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 23.294 và 1.201 ca so với một ngày trước đó.

Thủ tướng Angela Merkel hôm qua cảnh báo Đức có nguy cơ cần kéo dài lệnh phong tỏa đến đầu tháng 4. "Nếu không ngăn chặn được chủng virus mới ở Anh, chúng ta sẽ chứng kiến số ca nhiễm nCoV tăng gấp 10 lần cho tới lễ Phục sinh", bà phát biểu trong một cuộc họp.

Đức tuần trước tăng cường lệnh phong tỏa toàn quốc và gia hạn tới cuối tháng 1, do lo ngại biến chủng nCoV được phát hiện ở Anh có thể lây lan mạnh và gây quá tải cho các bệnh viện ở nước này.

Nhật ghi nhận 297.315 ca nhiễm và 4.145, tăng lần lượt 5.103 và 51 so với hôm trước.

Nhật ngày 13/1 áp đặt thêm tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh gồm Osaka, Kyoto, Hyogo, Fukuoka, Aichi, Gifu và Tochigi từ 14/1 đến 7/2. Trước đó, họ đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo cùng ba tỉnh lân cận là Kanagawa, Saitama và Chiba.

Người dân ở các tỉnh này được yêu cầu ở nhà sau 20h. Nhà hàng, quán rượu và quán cà phê phục vụ đồ uống có cồn được yêu cầu chỉ hoạt động từ 11-19h và đóng cửa trước 20h. Nếu doanh nghiệp từ chối tuân thủ, chính quyền tỉnh có thể yêu cầu họ đóng cửa và bêu tên, hành động cứng rắn nhất trong khuôn khổ pháp lý hiện hành. Người làm theo hướng dẫn sẽ được hỗ trợ tới 60.000 yen mỗi ngày.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 858.043 ca nhiễm, tăng 11.278, trong đó 24.951 người chết, tăng 306.

Nước này ngày 13/1 bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. CoronaVac, vaccine Covid-19 do hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac phát triển, đã được Indonesia phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 11/1.

Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đối mặt với thách thức khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 dân số. Chính quyền cho hay sẽ ưu tiên 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức trong vòng đầu tiên dự kiến kéo dài tới tháng 4. Phần cư dân còn lại sẽ được tiêm vaccine đến tháng 3/2021.

Tuy nhiên, vaccine Trung Quốc vẫn còn gây nghi ngờ do các thử nghiệm lâm sàng ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp rất ít dữ liệu nghiên cứu và có sự khác nhau về mức độ hiệu quả. Indonesia cho hay thử nghiệm tại nước này cho thấy CoronaVac hiệu quả 65%, nhưng các nhà nghiên cứu Brazil nói hôm 12/1 rằng tỷ lệ này chỉ là 50,4%. Hồi tháng 12, các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hiệu quả của CoronaVac lên tới 91,25% dựa trên phân tích sơ bộ.

Thái Lan ngày 13/1 cũng thông báo họ vẫn sẽ tiếp tục nhận và phân phối vaccine CoronaVac từ tháng tới, bất chấp các dữ liệu không đồng đều về mức độ hiệu quả.

Thái Lan báo cáo 10.991 ca nhiễm, tăng 157 trường hợp. 67 người ở nước này đã chết vì nCoV. Họ đã đặt hàng hai triệu liều CoronaVac của Sinovac và dự kiến nhận được 200.000 liều đầu tiên vào tháng tới.

Philippines báo cáo 492.700 ca nhiễm và 9.699 ca tử vong, tăng lần lượt 1.453 và 146 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm tiếp nhận 30 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển, đồng thời hy vọng tập trung được 148 triệu liều vaccine từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số.

Malaysia, một vùng dịch đang diễn biến phức tạp khác ở Đông Nam Á, ghi nhận thêm 2.985 ca nhiễm và 4 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 144.518 và 563.

Malaysia ngày 12/1 ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc đến ngày 1/8, nhưng có thể được dỡ bỏ sớm hơn nếu tỷ lệ gia tăng ca nhiễm mới chậm lại.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin trước đó công bố những quy định mới nghiêm ngặt trên hơn nửa đất nước, gồm lệnh cho người dân ở nhà và đóng cửa hầu hết doanh nghiệp. Ông cũng cảnh báo hệ thống chăm sóc y tế của đất nước đang trên bờ vực nguy hiểm.

Malaysia năm ngoái kiểm soát được dịch bệnh bằng các biện pháp nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi biện pháp hạn chế được nới lỏng, ca nhiễm tăng nhanh và liên tục ở mức kỷ lục trong những ngày gần đây.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer