Gia Lai kiểm soát môi trường không khí, đồng bộ nhiều giải pháp

Các thành phần ô nhiễm không khí như NO2, SO2, CO, bụi và ồn trên địa bàn tỉnh Gia Lai những năm gần đây liên tục tăng lên. Do đó, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường không khí có thể phát sinh trên địa bàn.
26/10/2021 15:50

Ô nhiễm cục bộ

Trong 725 mẫu khí tại 25 điểm đo ở các khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố; các trục đường giao thông chính và các khu vực sản xuất công nghiệp liên tục từ năm 2016 - 2020 cho thấy xu hướng VN_AQI trong không khí trên địa bàn tỉnh Gia Lai có xu hướng tăng những năm gần đây.

Theo Sở TN&MT tỉnh, các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Gia Lai chủ yếu do bụi, khí thải từ quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp và tình hình biến đổi khí hậu đang có diễn biến phức tạp.

61

Trạm quan trắc không khí tự động liên tục đặt tại Khu công nghiệp Trà Đa

Tại Khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku, Gia Lai), hiện có 6 doanh nghiệp hoạt động về chế biến nông sản và sản xuất gỗ có phát sinh khí thải ra môi trường. Theo ông Trần Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai, môi trường không khí trên địa bàn Khu công nghiệp Trà Đa được theo dõi, quản lý dựa trên kết quả quan trắc không khí định kỳ mà các doanh nghiệp gửi về.

“Mặc dù hiện các chỉ số đánh giá chất lượng không khí tại Khu Công nghiệp Trà Đa đều đảm bảo nằm trong quy chuẩn cho phép theo quy định, nhưng Ban Quản lý Khu công nghiệp vẫn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp tăng cường bảo vệ môi trường không khí. Ban cũng phối hợp với ngành chức năng giám sát và lấy mẫu kiểm tra định kỳ để kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường không khí phát sinh trong Khu công nghiệp”, ông Thắng cho biết.

Ngoài ra, theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016 - 2020, khí thải từ phương tiện giao thông vẫn đang là một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường không khí. Lượng phát thải các chất ô nhiễm không khí: TSP, NOx, CO, SO2,… tăng lên hàng năm cùng với sự phát triển về số lượng của các phương tiện giao thông đường bộ, và chất lượng phương tiện còn hạn chế.

60

Một hệ thống xử lý khí thải lò hơi trong sản xuất giấy tại Khu công nghiệp Trà Đa

Bà Lương Thị Tuyết Vinh - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Gia Lai nhận định: Chất lượng không khí nói chung tại Gia Lai nằm trong phạm vi cho phép và ít ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nồng độ bụi và tiếng ồn tại một vài thời điểm đã có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chỉ mang tính cục bộ, chủ yếu tại các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp, các nút giao thông với mật độ giao thông xe cơ giới qua lại đông, khu vực đường sá chất lượng thấp và các khu vực tập trung dân cư đông đúc.

Tăng cường kiểm soát

Theo bà Lương Thị Tuyết Vinh, công tác quản lý Nhà nước về môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua được Sở TN&MT Gia Lai thực hiện thông qua các văn bản tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn để phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường không khí.

Sở TN&MT đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cơ sở khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh như: che chắn công trình, phun nước, rửa đường…

Sở TN&MT Gia Lai đã lắp đặt 3 Trạm quan trắc không khí tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh Gia Lai; hoàn thành xây dựng hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc tự động, liên tục để tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc tự động, liên tục không khí, khí thải do các cơ sở truyền về; qua đó, giám sát chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh Gia Lai và đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp, khi chất lượng không khí có dấu hiệu suy giảm.

Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn, có nguy cơ cháy nổ cao, Sở TN&MT Gia Lai khuyến khích các cơ sở thay thế, sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.

“Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát, lấy mẫu khí thải đột xuất đối với các cơ sở có hoạt động xả thải gây ô nhiễm không khí; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”, bà Vinh khẳng định.

Theo TNMT

comment Bình luận

largeer