Gia Lai: Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

​UBND tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch số 2270/KH-UBND về việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
04/10/2024 17:20

Kế hoạch đặt ra mục tiêu kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển CTRSH từ cấp huyện đến cấp xã; đồng thời phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải sau khi được phân loại. Phấn đấu đến năm 2025 100% các chủ nguồn thải CTRSH trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn; tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 60% trở lên, ở xã đạt tỷ lệ 30%; tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý từ 90% trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 04 nội dung chính cần thực hiện gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại CTRSH tại nguồn; kiện toàn, sắp xếp và củng cố lại đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom CTRSH; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đầu mối triển khai thực hiện Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch bảo đảm hiệu quả; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cho UBND tỉnh. Xây dựng tài liệu tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn đến các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các chủ nguồn thải CTRSH.

gl

(Ảnh: Gialai.gov)

Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Trao đổi, hợp tác và học tập kinh nghiệm trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn để đề ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền để triển khai Kế hoạch nêu trên.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động về phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn; chủ động và phối hợp hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn đạt hiệu quả. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn cho các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý bằng nhiều hình thức như: Đài phát thanh, xe cổ động, treo băng rôn, áp phích… về thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và giảm thiểu sử dụng túi ni lông, dần thay thế bằng các vật dụng sử dụng nhiều lần, thân thiện, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Xác định vị trí và quy mô các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH hoạt trên địa bàn quản lý. Các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã và các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH để xác định địa điểm, thời gian, tần suất, tuyến thu gom và lộ trình di chuyển của các phương tiện vận chuyển để đảm bảo công tác thu gom CTRSH sau phân loại được đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý/bãi chôn lấp CTRSH trên địa bàn quản lý đảm bảo xử lý đối với từng loại chất thải sau khi được phân loại, thu gom về khu xử lý/bãi chôn lấp chất thải đúng quy định.

UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực triển khai các phong trào, hoạt động về bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch này.

Kế hoạch nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phân loại CTRSH tại nguồn, từng bước thay đổi hành vi, thói quen, ý thức tự giác trong việc phân loại CTRSH tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu tổng lượng CTRSH thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kiện toàn hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý/tái chế CTRSH đã được phân loại tại nguồn theo quy định.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer