Giải pháp bảo vệ, giáo dục trẻ em, để kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch COVID-19

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em sớm được Bộ quan tâm triển khai. Hiện Bộ đã ban hành 1 công điện, 5 văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19.
09/09/2021 17:27

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Tại hội nghị, bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF cho hay: "Lợi ích tốt nhất, quyền và sự bảo vệ tốt nhất của trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách, quyết định và hướng dẫn liên quan đến các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19. Các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng cần được tiếp tục. Cán bộ, nhân viên tuyến đầu tiếp xúc với trẻ em cần được trang bị khẩn cấp kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em".

Hội nghị được tổ chức trực tuyến, kết nối 20 tỉnh, thành phố đang hoặc đã là điểm nóng của đại dịch COVID-19

Hội nghị được tổ chức trực tuyến, kết nối 20 tỉnh, thành phố đang hoặc đã là điểm nóng của đại dịch COVID-19

Liên quan tới tác động của đại dịch COVID-19 đến trẻ em, TS Annie Chu, Điều phối viên Nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân - WHO tại Việt Nam đưa ra lời khuyên: "Điều quan trọng vẫn là chúng ta phải dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như: Giữ khoảng cách an toàn, tránh đám đông và tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên rửa tay…".

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đã nêu các nhiệm vụ, giải pháp nhằm vượt qua những thách thức, tác động tiêu cực trước mắt và lâu dài của đại dịch COVID-19 đến việc bảo đảm quyền trẻ em, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nhóm giải pháp chính sau.

Một là, thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm COVID-19 cho trẻ em. Người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cách ly tập trung chịu trách nhiệm về việc không thực hiện nghiêm hoặc để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh do không thực hiện các quy định, tiêu chuẩn về phòng, chống lây nhiễm COVID19 nói chung và đối với trẻ em nói riêng của Bộ Y tế.

Các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em phải xây dựng các phương án, kịch bản phòng ngừa lây nhiễm COVID-19, ứng phó khi cơ sở có trường hợp trẻ em hoặc giáo viên, nhân viên, người chăm sóc trẻ em trở thành F0, F1.

Hai là, ưu tiên điều trị, chăm sóc trẻ em bị nhiễm COVid-19 tại các cơ sở y tế; trẻ em phải cách ly để phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung. Bảo đảm cung ứng thuốc, vật phẩm y tế và các gói an sinh xã hội cho gia đình có trẻ em là F0, F1 được chỉ định điều trị, cách ly tại gia đình.

Bố trí người chăm sóc thay thế, theo dõi trẻ em không có cha, mẹ và người thân chăm sóc đối với các trường hợp trẻ em phải điều trị, cách ly tại các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc tập trung hoặc tại gia đình; trẻ em phải sinh sống một mình do cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em bị nhiễm hoặc phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19.

TPHCM và các tỉnh, thành phố có số lượng lớn trẻ em F0, F1, trẻ em phải cách ly, giãn cách bằng nhiều phương thức khác nhau, trẻ em không có cha, mẹ, người thân chăm sóc do dịch Covid-19 cần triển khai việc thiết lập các cơ sở bảo trợ xã hội chuyên trách tiếp nhận, chăm sóc thay thế các đối tượng trẻ em nêu trên để phòng ngừa dịch lây lan sang các trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung khác và lây lan ra cộng đồng.

Ba là, triển khai kịp thời, đơn giải hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em là F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhận được các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ bổ sung của địa phương.

Bốn là, cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục, đặc biệt cấp tiểu học, trung học cơ sở triển khai việc lồng ghép, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn, phòng chống xâm hại, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội trong đại dịch Covid-19 vào các tiết học trực tuyến theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Bảo đảm an toàn, hiệu quả việc dạy và học trực tuyến.

Phát động phong trào xã hội ủng hộ kinh phí mua sắm và ủng hộ thiết bị kết nối internet, máy tính, điện thoại thông minh cho trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em di cư các khu, xóm nhà trọ, trẻ em vùng kinh tế xã hội khó khăn để các em có điều kiện học tập trực tuyến.

baovetreem

Năm là, hình thành và kết nối, mở rộng mạng lưới dịch vụ công lập và tình nguyện về hướng dẫn, cung cấp trực tuyến và trực tiếp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội; phòng ngừa, phát hiện, sơ cứu và điều trị các sang chấn tâm lý trong bối cảnh trẻ em phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, học trực tuyến dài ngày.

Xây dựng, tổ chức các chuyên mục phổ biến kiến thức, kỹ năng, các sân chơi, cuộc thi, trò chơi, bài tập rèn luyện thể chất và tình thần cho trẻ em và gia đình trên truyền hình, trên môi trường mạng để hướng dẫn việc chăm sóc sức khỏe, tâm lý xã hội, phòng ngừa sang chấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em trong đại dịch COVID-19.

Sáu là, cập nhật, phổ biến đến từng hộ gia đình bằng mọi phương thức và trên mọi kênh truyền thông, thông tin các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội; phòng ngừa, xử trí các trường hợp bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, tai nạn, thương tích trẻ em. Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng dân cư và xã hội trong việc chăm lo cho trẻ em trong đại dịch COVID-19.

Bảy là, đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) viện trợ; Bộ Y tế nhập khẩu và nghiên cứu, sản xuất vaccine cho trẻ em; các địa phương tổ chức tiêm vắc xin kịp thời ngay khi có thể.

Tám là, thực hiện việc nghiên cứu, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến quyền trẻ em và các mục tiêu trung, dài hạn về phát triển toàn diện trẻ em để làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sau đại dịch; chuẩn bị ban hành các quy định pháp luật, chính sách, kế hoạch tổng thể, quy trình, tiêu chuẩn ứng phó, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer