Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong trường dân tộc nội trú

Với trường nội trú, mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường với gia đình và địa phương vô cùng quan trọng. Hơn hết việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV) nơi đây luôn được quan tâm vì các em chịu nhiều sự thiệt thòi và khó khăn.
14/09/2021 17:19

Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Vai trò người chèo lái”, Cô Lô Thị Thùy - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (DTNT) THCS Tương Dương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho hay: Ở trường học nào cũng rất cần mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường với gia đình và địa phương. Với trường nội trú các mối quan hệ ấy vô cùng quan trọng. Nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì học sinh của trường ở tất cả các xã trên địa bàn, có vùng chưa có điện lưới, sóng điện thoại không ổn định. Việc liên lạc thường xuyên với phụ huynh gặp nhiều trở ngại.

Để tăng cường mối quan hệ này, nhà trường định hướng cho Ban đại diện cha mẹ học sinh bầu các đại diện phụ huynh ở các xã để làm đầu mối liên lạc. Đối với chính quyền địa phương nơi các em sinh sống, chúng tôi thường gửi báo cáo kết quả học tập, rèn luyện của học sinh về xã mỗi năm học 2 lần. Những lúc cần thiết nhưng không liên lạc được với phụ huynh, chúng tôi cũng thường gọi điện nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ.

Ở trường Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương mỗi lớp học đều có đủ các thành phần dân tộc

Ở trường Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương mỗi lớp học đều có đủ các thành phần dân tộc

Thêm nữa, học sinh dân tộc thiểu số khi tập trung 3 tại chỗ tại trường nội trú là trong thời gian đầu mới nhập học. Các em còn nhỏ (mới 12 tuổi), lần đầu xa gia đình, nhiều em chưa biết tự chăm sóc bản thân, sử dụng các trang thiết bị hiện đại… Bên cạnh đó, nhiều học sinh dân tộc thiểu số chưa bỏ được những thói quen từ nhỏ trong gia đình, bản làng. Đặc biệt cách vệ sinh, ăn uống, ý thức sinh hoạt tập thể. Sau 1 tháng, với sự hướng dẫn, quản lý của thầy cô, các em sẽ dần hòa nhập, chăm ngoan và học tập, rèn luyện tốt.

Hiện, mục tiêu của các trường dân tộc nội trú là tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho địa phương. Đối với một số em không thi đậu vào trường DTNT THPT cấp tỉnh và có hoàn cảnh khó khăn thì nhà trường động viên các em ấy đi học nghề. Nhà trường sẽ liên hệ chọn trường nghề giúp các em.

Tuy nhiên, giáo viên công tác tại trường nội trú có nhiều vất vả hơn giáo viên các trường khác, thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà. Ngoài dạy chính khóa, giáo viên thay cha mẹ học sinh động viên, an ủi, vỗ về khi các em nhớ nhà. Hướng dẫn cách chăm sóc bản thân khi có sự thay đổi tâm sinh lý; cùng các em làm vườn, chơi thể thao…

Buổi tối còn phải đến trường hướng dẫn học sinh cách tự học. Chưa kể khi có học sinh ốm đau, thầy cô giáo phải túc trực, chăm sóc thường xuyên. Khi các em thiếu thốn đồ dùng cá nhân thì giáo viên chủ nhiệm tự bỏ tiền túi mua cho các em trước, sau này phụ huynh trả lại. Cũng có em hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô phải góp tiền để hỗ trợ.

Là giáo viên nội trú, các thầy cô cũng phải kiên nhẫn hơn, coi học sinh như coi cái, tìm hiểu hoàn cảnh, cá tính... để vừa dạy kiến thức, vừa bồi đắp tình cảm, nghị lực, ước mơ cho các em. Tuy nhiên, các thầy cô, giáo đã gắn bó với trường nội trú rồi thì hầu hết đều thấy yêu nghề, yêu trò và luôn hết mình vì học sinh.

Trong năm học 2020 - 2021, nhà trường thí điểm tổ chức ngoại khóa đọc thơ bằng 3 thứ tiếng (Kinh, Thái, Mông) và được học sinh rất hào hứng tham gia. Vào các dịp lễ tết truyền thống của các dân tộc như tết nguyên đán, lễ hội cầu mùa, lễ mừng lúa mới... nhà trương đều tổ chức cho học sinh theo hình thức mô phỏng. Trong các chương trình văn nghệ, ưu tiên các tiết phục mang âm hưởng dân gian, tái hiện văn hóa các dân tộc. Mục đích giúp các em hiểu biết, trân trọng giá trị văn hóa của dân tộc mình. Biết gìn giữ phát huy truyền thống tốt đẹp và loại bỏ hủ tục, tập tục lạc hậu, không phù hợp, trái luật...

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Hướng dẫn các em học sinh làm quen với sinh hoạt tại trường nội trú

Hướng dẫn các em học sinh làm quen với sinh hoạt tại trường nội trú

Là trường DTNT nên nhà trường chú trọng tổ chức các hoạt động tập thể và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể, trong mỗi năm học, nhà trường tổ chức ít nhất 4 cuộc ngoại khóa chuyên môn tạo sân chơi “vừa học vừa chơi” cho học sinh.

Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh theo mùa, giáo dục giới tính… Biểu diễn văn nghệ trong các ngày lễ lớn. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho học sinh được phát triển năng khiếu và sở thích cá nhân, nhà trường thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật, thể dục thể thao (cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, đẩy gậy,…) đều có giáo viên hướng dẫn.

Nhà trường có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh, vừa tổ chức bằng hình thức ngoại khóa vừa lồng ghép vào các môn học. Hoặc qua các buổi trò chuyện, nêu gương những anh chị khóa trước đã cố gắng vượt qua hoàn cảnh để học tập tốt và thành công như thế nào.

Hàng tháng, tổ chức sinh nhật cho học sinh toàn trường. Đồng thời tổ chức chương trình “Những điều em muốn nói” vào tối thứ 7 của tuần thứ 3 hàng tháng. Qua đó, tạo cơ hội để các em được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình một cách cởi mở, dân chủ. Các em được lắng nghe, chia sẻ và thấy được tôn trọng và mạnh dạn tự tin học trong học tập, giao tiếp, ứng xử với các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Tại kí túc xá nhà trường còn có 1 “Thùng quà tình bạn”. Học sinh sẽ tự nguyện quyên góp vào thùng quà số tiền tiết kiệm ăn quà vặt để nhằm giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giáo dục tình tương thân tương ái, biết yêu thương quan tâm giữa các bạn học trong lớp, trong trường.

Giúp học sinh có nề nếp tốt

Nhà trường có Ban quản sinh quản lý hoạt động của học sinh tại kí túc xá, như hướng dẫn các em sinh hoạt có nền nếp, giám sát nguồn cung cấp lương thực thực phẩm hàng ngày. Các thành viên của Ban quản sinh phân công trực 24/24, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh của học sinh nội trú như trường hợp học sinh ốm đau đột xuất.

Đồng thời nắm bắt tâm tư, vấn đề của học sinh để có giải pháp xử lý phù hợp. Thực tế, các em trường nội trú phần lớn ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô. Nhưng cuộc sống tập thể không tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn nhỏ. Đặc biệt là lứa tuổi THCS được xem là “dở dở ương ương”, với nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Vì vậy, thầy cô phải sát sao, quan tâm, vừa mềm mỏng giải quyết, vừa nghiêm khắc để hạn chế vi phạm xảy ra.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thành lập đội tự quản với thành viên là đại diện học sinh của các lớp. Đây được xem là cầu nối giữa thầy cô, nhà trường và học sinh. Đồng thời phát huy ý thức tự giác, tự quản của các em trong sinh hoạt, học tập.

Công tác giáo dục đạo đức, tác phong được lồng ghép trong các tiết dạy, vào thời gian ngoài giờ lên lớp và các buổi sinh hoạt ngoại  khóa vào chiều thứ 7 hàng tuần.

Thời gian biểu của học sinh dân tộc nội trú được bố trí, sắp xếp khoa học, đảm bảo các em vừa có thời gian học kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng, thể dục thể thao, và sinh hoạt cá nhân, nghỉ ngơi. Đồng thời có sự quản lý, giám sát thường xuyên của thầy cô.

Có thể nói, ban đầu, khi học sinh làm quen với những quy tắc, môi trường nội trú sẽ có những khó khăn, vất vả. Nhưng nhà trường xác định, hình thành được tác phong sinh hoạt, giờ giấc điều độ đối với lứa tuổi học sinh THCS đặc biệt quan trọng. Những thói quen này sẽ theo các em lâu dài và giúp các em biết sắp xếp thời gian hợp lý giữa học tập, vui chơi, hoạt động kỹ năng... trong cuộc sống sau này.

Nhằm xóa bỏ ngăn cách giữa học sinh thuộc các thành phần dân tộc khác nhau, nhà trường bố trí mỗi lớp học đều có đủ các thành phần dân tộc. Việc cùng học tập trong một môi trường sẽ giúp các em tiếp xúc, giao lưu với nhau. Dần dần hòa nhập và đoàn kết phối hợp cùng nhau trong học tập, rèn luyện và hoạt động ngoài giờ lên lớp khác.

Trường Phổ thông DTNT THCS Tương Dương hiện có 6 thành phần dân tộc (Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu,…) cho nên văn hóa và năng lực, kỹ năng của các em có sự khác nhau. Điều này vừa thuận lợi vừa có khó khăn nhất định trong công tác giáo dục đạo đức, tác phong cho học sinh. 

Về thuận lợi, các em được về học tập, sinh hoạt chung nên có dịp được giao lưu, tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Mặt khác, học sinh của trường DTNT vốn là những em có lực học khá từ các trường tiểu học trên địa bàn huyện. Các em cũng đã có kiến thức nền nảng cơ bản. Bên cạnh đó, đặc điểm của học sinh DTTS ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô. Trên cơ sở đó nhà trường hướng dẫn, cung cấp kỹ năng, phương pháp học tập cho các em.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là kỹ năng của học sinh DTTS ở độ tuổi này còn rất hạn chế. Do môi trường sống của các em từ trước đến nay chỉ ở trong bản làng, chưa chưa biết cách giao tiếp, bỡ ngỡ, không mạnh dạn, sống khép mình.

Một số em có tâm lý chỉ muốn giao lưu, tiếp xúc với các bạn ở cùng bản, cùng xã, hoặc dùng dân tộc; do những sự phân biệt dân tộc nên thường né tránh giao lưu, tiếp xúc với các bạn khác dân tộc.

Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương

Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương

Mặc dù là học sinh được lựa chọn từ các trường tiểu học trong toàn huyện, nhưng nhiều em Tiếng Việt chưa thông thạo, tốc độ tiếp thu chậm, nên kết quả học tập ban đầu không cao. Thầy cô phải dày công hơn trong dạy học, khích lệ để các em không nản chí mà có động lực tiếp tục theo học tại trường.

Năm học 2021 - 2022, vì thực hiện phòng chống dịch COVID-19, nhà trường không tập trung học sinh trên trường nên những công việc đó được giao cho giáo viên phụ trách từng lớp, từng phòng. Thực hiện hướng dẫn các kỹ năng cơ bản của cuộc sống tập thể, như hướng dẫn cách giặt quần áo, gấp chăn màn, cách giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung...

Học sinh lớp 6 vừa qua độ tuổi tiểu học, phần lớn chưa từng sống xa gia đình, nên sẽ rất nhớ bố mẹ, người thân. Vì vậy, thầy cô phải quan tâm hơn, trong thời gian đầu thường xuyên đến phòng thăm nom, trò chuyện, động viên để giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, bắt nhịp vào môi trường học tập mới.

Năm học 2021 - 2022, trước khi chính thức vào dạy học không có ngày tựu trường và khai giảng tập trung, nên về phía nhà trường gặp một số khó khăn khi đón học sinh nội trú. Bởi vì sau thời gian nghỉ hè dài hơn 3 tháng, khi trở lại đi học, thầy cô phải có thời gian sắp xếp, ổn định lại nề nếp sinh hoạt cho các em.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, là trường nội trú với  học sinh, công tác vệ sinh, khử khuẩn, đảm bảo an toàn cho các em và giáo viên đặc biệt được chú trọng. Sau khi đề xuất và được sự thống nhất, đồng ý của lãnh đạo các cấp, nhà trường tổ chức đón toàn bộ các em về trường và dạy học từ ngày 6/9. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện 5K phòng dịch, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Song song với các hoạt động đó, nhà trường còn khẩn trương tận dụng thời gian dạy học trực tiếp các kiến thức cốt lõi, trọng tâm cho các em. Hướng dẫn các em làm quen với việc trực tuyến để hỗ trợ học trực tiếp và chuyển hình thức dạy học nếu như dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer