Giúp học sinh khiếm thị vượt qua thách thức, khó khăn trên hành trình học tập

Việc dạy học sinh khiếm thị (HSKT) chắc chắn sẽ khó hơn dạy các học sinh (HS) bình thường, chính vì vậy khi nhận nhiệm vụ thì giáo viên cần xác định đổi mới về tư tưởng đầu tiên, không nên nghĩ dạy HSKT áp lực, khó khăn. Từ đó, sẽ tạo động lực giúp cho học sinh khiếm thị vượt qua thách thức, khó khăn trên hành trình học tập của mình.
24/09/2021 18:35

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Hạnh phúc từ điều giản dị”, Cô Dương Thu Hằng - Tổ trưởng khối 1, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: Đối với việc dạy HSKT, quan trọng nhất giáo viên (GV) phải có tính kiên trì để rèn luyện từng kĩ năng sờ đọc, viết, nghe, di chuyển… cho từng HSKT. Và hỗ trợ cho các em theo mức độ gặp khó khăn khác nhau. Việc sáng tạo hay linh hoạt trong kĩ thuật dạy sẽ nảy sinh từ quá trình dạy từng HS, nhất là đối với những HSKT kèm theo các tật khác.

Kết hợp với gia đình HSKT cũng vô cùng quan trọng trong quá trình dạy học, giáo dục và rèn luyện các kĩ năng. Khi những công việc này được rèn luyện trong nhiều môi trường khác nhau sẽ tạo được tính hiệu quả cao, HSKT được rèn luyện phát triển đồng đều, liên tục.

Bên cạnh đó, để dạy tốt HS khiếm thị, GV cần hiểu được việc mất thị giác sẽ ảnh hưởng đến quá trình nhận thức ở mức độ nào. Cùng đó phải phân chia HS khiếm thị thành các nhóm khác nhau, sử dụng phương pháp giáo dục khác nhau… Từ việc hiểu và phân loại đối tượng HS khiếm thị trong lớp, GV sẽ xây dựng được kế hoạch dạy học và rèn luyện đối với học sinh của mình chi tiết và hiệu quả.

Cũng theo cô Hằng, với mục tiêu giáo dục để HS khiếm thị trở thành con người bình thường hoà nhập được với cộng đồng nên việc kiểm tra đánh giá năng lực không khác biệt so với HS bình thường. Nhà trường vẫn đánh giá theo đúng chuẩn kiến thức kĩ năng của Bộ GD&ĐT đưa ra.

Cô Hằng cho biết thêm, gia đình HS khiếm thị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết hợp dạy học, rèn luyện kĩ năng cho HSKT. Để hoàn thiện được các kĩ năng cho HSKT hoà nhập được với cộng đồng  thì không chỉ có các kĩ năng sờ đọc, viết liên quan tới nhiệm vụ học mà các kĩ năng khác cũng cần được chú ý rèn luyện.

Để phát triển được tất cả các kĩ năng cho HSKT rất cần nhiều môi trường phong phú đa dạng, do vậy gia đình là nền tảng góp phần mở rộng các môi trường hoạt động cho HSKT theo cả 2 mặt chủ quan và khách quan.

Hoạt động dạy và học của cô Hằng và trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu

Hoạt động dạy và học của cô Hằng và trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu

Về mặt chủ quan: Gia đình chủ động tham gia, hướng dẫn HSKT trong hoạt động học tập. Bố mẹ cũng tìm hiểu học các kí hiệu chữ nổi, giám sát kiểm tra việc các con làm bài, hoàn thành bài; hướng dẫn cùng con sử dụng các tài liệu tham khảo mà chưa có bản chuyển chữ nổi; Gia đình chủ động tổ chức các buổi hoạt động ngoài trời ở các khu vui chơi, khu du lịch... tạo thêm được nhiều môi trường hoạt động, trải nghiệm cho các con; Gia đình chủ động trang bị các thiết bị công nghệ để hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập, giao tiếp (Điện thoại, máy tính cài phần mềm nói, máy in... đối với HS lớn, từ lớp 4 trở lên).

Về mặt khách quan: Gia đình cần ủng hộ các chủ trương về việc dạy và học của nhà trường, trên lớp; Gia đình tích cực ủng hộ các hoạt động ngoại khoá của nhà trường và các tổ chức trong trường, vận động các con hưởng ứng tham gia; Gia đình chung tay với nhà trường tạo nguồn lực để xây dựng, mở rộng thêm được nhiều môi trường hoạt động cho các con.

Nói về khó khăn khi tiếp nhận HSKT, cô Hằng cho hay: Là GV dạy lớp 1 nhiều năm, việc đưa HS bước qua ngưỡng cửa để đi học năm đầu đời thì ngay cả HS bình thường còn bỡ ngỡ, có HS còn khóc lóc cả tuần đầu mới quen. Nên đối với HSKT còn khó khăn hơn thế, có HS khóc dài cả tháng, có HS không phản ứng mạnh mẽ nhưng ngồi im cả ngày như vô cảm… Do đó, chỉ đến lúc nhìn từ xa thấy HSKT nắm tay bạn đi trên sân trường hay hành lang là GV chúng tôi đã thấy hạnh phúc, nhẹ lòng và có thể mỉm cười. Với GV dạy HSKT chúng tôi, HS vui vẻ thì GV mới hạnh phúc.

HS khiếm thị cũng theo học trực tuyến cùng các bạn trong lớp. HS nhỏ cần có sự hỗ trợ của gia đình để sử dụng thiết bị công nghệ. Hs lớn từ lớp 4 trở lên các em đã có thể chủ động sử dụng các thiết bị công nghệ.

Về việc học trực tuyến đối với HSKT những khó khăn gặp phải được chia thành 2 đối tượng: HS khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 3: cần rèn kĩ năng sờ đọc, viết. Kĩ năng này cần được rèn tỉ mỉ nên với thời gian này cần sự hỗ trợ từ gia đình rất nhiều. GV giảm tải bài đọc, viết để bố mẹ có thể kiểm tra giúp con được. GV cần hướng dẫn bố mẹ phương pháp kiểm tra bài đọc, viết để có hiệu quả.

HSKT từ lớp 4 trở lên: Các kĩ năng đọc viết đã thành thạo, sử dụng được các thiết bị công nghệ hỗ trợ, tuy nhiên về kiến thức lại nhiều hơn. GV cần tương tác với HS nhiều hơn, kiểm tra bài thông qua chụp lại bài làm, chữa bài, yêu cầu HS nộp lại bài làm sau khi đã chữa để đánh giá lần nữa. Khi đến trường học trực tiếp, HS khiếm thị sẽ được đánh giá chung, sau đó sẽ có các lớp học phụ đạo buổi chiều hỗ trợ các con những kiến thức còn chưa chắc chắn.

Qua kinh nghiệm giảng dạy trong nhiều năm, HSKT có khả năng nhận biết âm thanh rất tốt, nên việc cho HS tiếp xúc với âm nhạc sẽ giúp các em giải toả được áp lực tâm lí, thư giãn khi nghỉ ngơi tạo hứng thú khi học tập và làm việc.

Một số HSKT cũng có tính hiếu động, vì không nhìn được nên việc chạy nhảy có thể gây mất an toàn cho bản thân. Khi được nghe nhạc các em sẽ giảm việc chạy nhảy và chuyển sang đánh nhịp, lắc lư theo nhịp. Âm nhạc sẽ mang đến cho các em một tâm hồn mới.

Tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng dàn nhạc dân tộc từ nhiều năm nay, đào tạo được rất nhiều thế hệ HS ra trường theo nghề, gặt hái được nhiều giải thưởng cao khi tham gia các hội diễn văn nghệ của ngành, thành phố, hội người mù...

Khi đi học hạnh phúc nhất là có được bạn bè. Chính vì vậy GV cần tạo cầu nối gắn kết HS bình thường với HSKT trong các hoạt động có chỉ đạo, dần dần tạo kết nối tình thân  và các em sẽ có những hoạt động chung một cách tự nhiên, hứng thú.

GV hướng dẫn HS bình thường về một số khó khăn mà HSKT có thể gặp tai nạn do không nhìn thấy, từ đó HS bình thường biết cách cảnh báo giúp bạn khi tham gia hoạt động chung.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer