Gỡ khó tâm lý cho học sinh để học online hiệu quả

Khi học online, khả năng chú ý của trẻ thậm chí còn thấp hơn so với ngưỡng tập trung chú ý trung bình của lứa tuổi. Vì vậy, để gia tăng hiệu suất học trực tuyến, giáo viên cần cố gắng tạo ra sự tương tác tối đa với học trò thông qua các câu hỏi và nội dung các hoạt động dạy học.
31/08/2021 17:24

Trước khi có quyết định dạy và học online, cô Lê Thị Vân (Bắc Giang) đã phải chuẩn bị đầy đủ tài liệu và lên chương trình từng môn học sao cho hợp lý, ngắn gọn nhất có thể học cho học sinh. Bởi đối với cô, không thể dạy dàn trải như trước được mà phải ưu tiên đảm bảo cho trẻ một tâm lý thực sự tốt, tạo sự hứng thú trong môn học cho trẻ.

Vì vậy, "trong quá trình dạy học, tôi cũng khuyến khích trẻ bằng cách dành tặng cho các em những ngôi sao, những lời khen, tích lũy điểm số… để đảm bảo luôn hút được trẻ. Bên cạnh đó, bài tập giao cho các em cũng vừa sức và kiểm tra sát sao việc hoàn thành nhiệm vụ ấy. Tôi sẽ tập trung dạy những nội dung quan trọng nhất. Những nội dung khác có thể hướng dẫn học sinh tự học ở nhà", cô Vân cho biết.

tuongtacgiuaxgiaovienvahocsinh

Cùng có phương án dạy học như trên, cô Thúy Nga (Hà Nội) cho hay: Điều quan trọng là bài giảng cho các em ở lứa tuổi này phải thật hấp dẫn, ngắn gọn, bài giảng nên xen lẫn các trò chơi để kích thích sự hứng thú của các bé. Các bài tập củng cố thì nên thiết kế đa dạng, giáo viên kết hợp chặt chẽ với phụ huynh hỗ trợ thêm các em ở nhà.

Còn theo cô Nguyễn Thu Hương (Hà Nội): Thay vì bê nguyên một tiết học 45 phút, nhà trường cần giảm thời lượng một tiết học xuống 35 - 40 phút, giữa giờ có giải lao 10 - 15 phút, mỗi buổi chỉ nên 3 tiết, ngày 2 buổi, thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học linh hoạt, phù hợp với thời gian sinh hoạt gia đình học sinh hiện nay. Điều này sẽ giảm bớt phần nào cảm giác mệt mỏi cho cả giáo viên và học sinh.

Theo thầy giáo Trần Văn Tùng (Hà Nội) cho rằng, ngoài việc chuẩn bị về phương pháp, cách thức, thì còn một điều quan trọng trong lúc này là thầy cô giáo nên có thái độ sống lạc quan, có năng lượng tích cực để lan tỏa tình yêu thương đến các học sinh của mình. Thầy cô nên xem các em như những thành viên yêu mến của gia đình. Hãy động viên, khích lệ các em cố gắng vượt lên hoàn cảnh và đồng cảm, chia sẻ với nhau. Trong lúc này, hơn bao giờ hết, cần tập trung “dạy người”, dạy kĩ năng rồi mới đến “dạy chữ”.

Chia sẻ về cách dạy học của mình, cô Lưu Phương Liên (Khương Mai) cho biết: “Dạy online và dạy trực tiếp trên lớp khác nhau về hình thức, tôi không bê nguyên xi mô hình tiết học trên lớp vào tiết học online, và tôi cũng luôn suy nghĩ để sáng tạo các hoạt động: 1 tiết học có khi chuyển đổi các hoạt động 2 - 3 lần để tạo sự hứng thú cho học sinh. Trong bài soạn giảng, tôi sử dụng màu sắc, âm thanh sinh động, đôi khi thiết kế các câu trắc nghiệm nhanh thành các trò chơi để các em hào hứng".

Đã áp dụng trong quá trình giảng dạy và học sinh cũng rất hứng thú, cô Nguyễn Thị Kim Ngân (Vĩnh Phúc) chia sẻ: Bắt đầu từ tiết học online đầu tiên, tôi đã cho các em kể về những câu chuyện cổ tích đã nghe và biết. Khi đó, có nhiều bạn kể sai và có sự góp ý từ các bạn khác đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong tiết học đầu. Bên cạnh đó, tương tác với các em nhiều hơn chứ không chỉ chú tâm vào giáo án đã soạn sẵn, tiết học có thể sẽ bị chậm nhưng tạo hứng thú tâm lý cho trẻ còn quan trọng hơn. Bởi nếu một khi trẻ không tập trung thì buổi dạy của mình cũng như không. Cứ như vậy, mỗi ngày sẽ nghĩ ra một câu chuyện và rút ngắn thờ gian giảng dạy, thêm thời gian nghỉ giải lao để tránh tạo tâm lý cho các em.

Có thể thấy, chuyển sang học trực tuyến, học sinh có thêm một phương pháp, kỹ năng. Do đó, phụ huynh, giáo viên và học sinh cần tìm cách bắt nhịp, thích nghi, thay vì có tư tưởng loại bỏ và chỉ xem học trực tuyến là một giải pháp tạm thời, ứng phó vì dịch.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer